Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Dự báo kinh tế thế giới 2014

"Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Davos, bang Geneva, Thụy Sỹ, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, lãnh đạo các nước, các học giả và phóng viên thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, y tế và môi trường. WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, cam kết vào sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà lãnh đạo để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực."

Theo wikipedia

Năm 1970, Giáo sư Klaus Martin Schwab quyết định thành lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia trên toàn thế giới với mục tiêu là chung tay giải quyết những vấn đề kinh tế mang tính toàn cầu. Hội nghị thường niên của WEF diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. Ngoài Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực như Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông...Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi, phân tích và đánh giá các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.



Ảnh: ineteconomics

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2013 đã diễn ra vào ngày 22/1/2013 tại Davos, Thụy Sĩ. Theo WEF, hội nghị lần này đã thu hút sự tham gia của khoảng 2.500 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và 1.400 tổ chức quốc tế, trong đó, có hơn 1.600 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 45 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ. Nếu WEF 2012 phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và nguy cơ Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone thì WEF 2013 được đánh dấu bằng tinh thần lạc quan, khởi sắc hơn. Kết quả cuộc khảo sát đối với 1.330 Tổng giám đốc điều hành (CEO) được công bố tại hội nghị đã cho thấy, đa số các CEO đều lạc quan hơn về tình hình kinh tế toàn cầu. Mặc dù hiện tại tình trạng suy thoái vẫn còn đó nhiều rủi ro, nhưng nhìn chung đến cuối năm 2013 nền kinh tế thế giới cơ bản đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng với sự phục hồi của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản, khu vực Eurozone, khả năng xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là sự khôi phục nền kinh tế của Hy lạp, Bồ Đồ Nha sau những gói cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).



Klaus Schwab - Chủ tịch WEF
Ảnh: chinadaily

Ngày 15/11/2013, WEF đã đưa ra những dự báo về xu hướng của nền kinh tế thế giới trước thềm Hội nghị Davos 2014. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia thành viên thuộc Eurozone tăng vọt. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện là 26,6% và Hy Lạp là 27,6%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên ở Hy Lạp lên đến 75%. Tình hình xã hội ngày càng căng thẳng, phức tạp tại Trung Đông, Bắc Phi và sự phân hóa trong thu nhập sẽ tiếp tục là hai xu hướng chính của thế giới trong năm 2014. Các vấn đề khác được WEF dự báo cũng sẽ giữ vai trò chủ đạo trong các chương trình nghị sự toàn cầu năm 2014, bao gồm việc gia tăng các cuộc tấn công mạng, sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại châu Á, tầm quan trọng và ảnh hưởng của các siêu đô thị, các bế tắc trong việc đối phó với biến đổi khí hậu, chống thông tin sai lệch trên Internet, niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế của các lãnh đạo quốc gia bị suy giảm …

Bên cạnh những khó khăn phải đối mặt thì theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Morgan Stanley, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3,4% vào năm 2014, so với mức tăng dưới 3% trong năm 2013. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Reuters Breakingviews, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,03% trong năm 2014, trong đó, khu vực Bắc Mỹ, bao gồm Hoa Kỳ và Canada, sẽ tăng trưởng 2,7%, Trung Quốc 8%, các nền kinh tế châu Âu 1,15% và Nhật Bản 1,4%. Tuy nhiên, vẫn có không ít các lo ngại về những chuyển biến của nền kinh tế thế giới trong năm 2014. Khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ không cao như kỳ vọng và chỉ đạt mức 7%. Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,5% vào năm 2014 so với mức tăng 1,8% trong năm 2013 mặc dù đã có sự góp sức đắc lực của chương trình cải cách kinh tế Abenomics. Có thể nói, sự tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phần nào kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2014 ngay cả khi những nền kinh tế lớn như Mỹ và Eurozone phục hồi.

Phó Tổng Thư ký phụ trách phát triển kinh tế của Liên Hợp Quốc (UN) Shamshad Akhtar dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2014 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn và nguy cơ suy thoái. Theo UN, sự phục hồi trong đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu hộ gia đình sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong năm 2014 so với mức tăng 1,6% trong năm 2013. Dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 7,5% trong năm 2014, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại, tuy nhiên đây vẫn sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2014.

Yếu tố quan trọng đối với triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu chính là khả năng hỗ trợ từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương khác thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, IMF đang nâng dự báo về triển vọng của kinh tế Mỹ, dự báo Washington sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách và kế hoạch kéo giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của Fed trong tương lai. IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2014.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Hội nghị WEF về Đông Á 2013 ở Myanmar - Ảnh: tuoitre

Quan hệ với Việt Nam

Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ vào năm 1989. Việt Nam thường xuyên tham dự Hội nghị thường niên của WEF tại Davos và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Việt Nam cũng đã nhiều lần tham dự ở cấp cao (Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dự WEF Đông Á 2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự WEF Davos 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự WEF Davos 2008, WEF Đông Á 2009 và WEF Đại Liên 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự WEF Đông Á 2012). Đặc biệt trong năm 2010, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với vai trò là nước chủ nhà, Việt Nam đã tham gia rất tích cực các hoạt động của WEF về Đông Á 2010, tạo được ấn tượng tốt với lãnh đạo Chính phủ các nước và cộng đồng doanh nghiệp thế giới tham gia hội nghị.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

-----------------------------
Các nguồn tham khảo:
- wikipedia
- chinhphu.vn
- ndh.vn
- vinacorp.vn