Hóa thạch khủng long được phát hiện ở Úc có kích thước bằng loài chuột túi wallaby

Kangaroo và chuột túi nhỏ wallaby không có ở Úc cách đây 125 triệu năm, nhưng những con khủng long ăn cỏ nhỏ lại bu bám sinh sống quanh đây với những đôi chân sau khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 5 hàm hóa thạch từ một loài khủng long chưa từng được biết đến trước đây ở bang Victoria có kích thước tương đương với một con chuột túi wallaby ngày nay.

Wallaby là một thành viên nhỏ thuộc nhóm chuột túi, và chúng có thể có mặt ở bất cứ đâu với chiều cao từ dưới 1 feet đến 3,2 feet.

Loài khủng long Galleonosaurus Dorisae được đặt tên theo hình dạng hàm của nó, giống như thân của một chiếc thuyền buồm lớn, và theo tên của nhà cổ sinh vật học Doris Seegets-Villiers, người đã nghiên cứu về hóa thạch trong khu vực này.

Những phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Cổ sinh vật học.

Khủng long Galleonosaurus Dorisae là thành viên nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn thuộc họ khủng long ăn cỏ ornithopod, bao gồm cả loài iguanodon.

Ông Matthew Herne, tác giả chính của nghiên cứu và là một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học New England ở New South Wales, cho biết “Những con khủng long nhỏ này có thể chạy rất nhanh trên đôi chân sau khỏe mạnh của chúng”.



Hóa thạch và mô hình CT 3D của loài khủng long mới có tên Galleonosaurus Dorisae - Ảnh: edition.cnn.com

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 5 hàm hóa thạch, từ hàm của con non đến hàm của con trưởng thành, ở cùng một khu vực với các loài khủng long khác thuộc họ ornithopod. Điều này cho thấy chúng thích khu vực rừng rậm ngập nước thuộc thung lũng Úc - Nam Cực cổ xưa bị rạn nứt cách đây hàng triệu năm.

Ông Herne nói rằng các phát hiện đã "xác nhận trên phạm vi toàn cầu, sự đa dạng của những con khủng long thân nhỏ này cao bất thường ở thung lũng bị rạn nứt cổ xưa đã từng lan rộng ra giữa các lục địa trải dài của Úc và Nam Cực".

Loài khủng long Gallenosaurus đã bị chôn vùi trong trầm tích núi lửa và hóa thạch của chúng đã bị cuốn đi ở nơi từng có mạng lưới sông sâu, nước chảy xiết. Ông Herne và nhóm của ông cũng tìm thấy loài Diluvicursor pickeringi, một loài khủng long nhỏ khác thuộc họ ornithopod, trong khu vực này vào năm 2018, nhưng loài Gallenosaurus lớn hơn 12 triệu năm tuổi. Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này cho thấy loài khủng long này đã sống và phát triển trong thung lũng rạn nứt này trong một thời gian dài.

Các dòng sông mang trầm tích núi lửa vào thung lũng để tạo thành các lưu vực trầm tích sâu. Theo thời gian, chúng trộn lẫn với xương khủng long và cây ngã.

Ông Herne nói “Vùng đất này giờ đã biến mất, nhưng nhờ vào ‘những người du hành thời gian’, chúng ta có được những bức ảnh chụp về thế giới đáng chú ý này thông qua những tảng đá và hóa thạch hiện ra dọc theo bờ biển Victoria”.

Theo CNN