Nghe nhạc kích thích tư duy sáng tạo hay gây mất tập trung?

Nghe nhạc trong lúc làm việc làm giảm đáng kể khả năng sáng tạo. Đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố đầu năm nay trên tạp chí Tâm lý học Nhận thức Ứng dụng sau khi xem xét ảnh hưởng của các thể loại nhạc khác nhau đối với việc sáng tạo.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đến từ Anh quốc đã đưa ra một loạt các câu đố chữ được thiết kế để đánh giá mức độ sáng tạo và quá trình tư duy. Người tham gia nghiên cứu phải hoàn thành các câu đố trong một không gian yên tĩnh hoặc một nơi có mở nhạc. Âm nhạc có thể là những giai điệu quen thuộc hoặc mới lạ, có lời hoặc không lời. Và kết quả là điểm số trung bình cho bài kiểm tra sáng tạo thấp hơn so với điểm số của họ khi làm trong điều kiện không gian yên tĩnh. “Kết quả này thật sự đặt nghi vấn cho kết luận việc nghe nhạc tăng cường khả năng sáng tạo”, các nhà nghiên cứu cho hay.

Nhưng cũng đừng vội tháo tai nghe hay tắt nhạc đi, bởi vì nhiều nghiên cứu về âm nhạc và sáng tạo khác đã phát hiện ra rằng, tùy thuộc vào loại công việc sáng tạo mà một người đang đảm nhiệm, một số thể loại nhạc có thể có hữu ích nhất định.

Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí PLOS ONE đã phát hiện rằng nghe nhạc “vui vẻ” - những giai điệu cổ điển lạc quan và gây hưng phấn giúp mọi người thực hiện tốt hơn các công việc liên quan đến “tư duy khác biệt” - thành phần cốt lõi của sự sáng tạo. “Tư duy khác biệt” bao gồm “các phát hiện bất chợt, suy luận kết nối các liên kết hoặc chuyển đổi thông tin thành các hình thức bất ngờ”, các tác giả của nghiên cứu kết luận. Về cơ bản, tư duy khác biệt xuất hiện là việc hình thành những ý tưởng hoặc chiến lược mới mẻ và đột phá.

Simone Ritter, đồng tác giả của nghiên cứu PLOS ONE và là phó giáo sư tại Đại học Radboud Nijmegen ở Hà Lan cho biết: “Chúng ta chỉ có thể suy đoán về bản chất của việc âm nhạc vui vẻ kích thích suy nghĩ khác biệt. Một giả thuyết được đưa ra trong nghiên cứu của bà là bản chất kích thích của âm nhạc là bằng cách nào đó nó tiếp năng lượng cho bộ não theo cách thúc đẩy ‘tư duy linh hoạt’, điều này dẫn đến những ý tưởng độc đáo.”

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghe nhạc có thể làm giảm sự lo lắng và cải thiện tâm trạng, và những thay đổi này có thể tạo điều kiện cho những suy nghĩ sáng tạo. Mark Beeman, trưởng khoa tâm lý học tại Đại học Northwestern và là nhà nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm sáng tạo NU cho biết: “Để có những khoảnh khắc đột phá, tâm trạng hứng khởi đóng một vai trò nhất định. Điều đó cũng có nghĩa nếu ai đó lo lắng, thì sự lo lắng này có xu hướng khiến họ tập trung hơn, điều này không hề hữu ích cho sáng tạo”.

Làm thế nào mà việc trung vào một vấn đề sáng tạo là một điều xấu? Beeman đã dành hai thập kỷ để nghiên cứu bộ não và các quá trình sáng tạo của nó, ông đã tiết lộ khám phá của mình trong cuốn sách mà ông viết vào năm 2015 - “The Eureka Factor: Aha Moments, Creative Insight, and the Brain”. Ông giải thích rằng quá trình giải quyết vấn đề sáng tạo có xu hướng chia ra thành các giai đoạn.

Ông nói giai đoạn đầu tiên, liên quan đến việc nghiên cứu một vấn đề hoặc tình huống khó xử, đánh giá các giải pháp và nhận ra rằng không có giải pháp nào hiệu quả. “Tại thời điểm này, nếu bạn tiếp tục tập trung quá nhiều vào một vấn đề sẽ làm cho bộ não khó đưa ra những ý tưởng khác biệt hoặc mới lạ”, ông nói. Phó giáo sư Beeman so sánh việc này giống như như một ngôi sao mờ sẽ biến mất khi bạn nhìn thẳng vào nó. “Để nhìn thấy ngôi sao, bạn phải nhìn nó từ khóe mắt, và những ý tưởng sáng tạo cũng giống như vậy. Bạn cần loại bỏ tập trung vào những ý tưởng hiển nhiên, để tránh che mờ những ý tưởng mơ hồ.”

Đây là nơi âm nhạc phát huy tác dụng. Khi một người đã kiểm tra một vấn đề và gặp phải trở ngại, thì điều tiếp theo sẽ là giai đoạn mà Beeman gọi là giai đoạn “ươm mầm”. “Trong giai đoạn này, tâm trí bạn vẫn âm thầm nghiền ngẫm vấn đề trong vô thức”, ông nói. Lúc này là giai đoạn bạn ngộ ra một điều gì đó, như khi bạn quên một từ, nhưng sau đó nó lại xuất hiện trong đầu bạn sau khi bạn nghĩ rằng bạn đã ngừng nghĩ về nó.

Nhưng không phải tất cả các hoạt động tạo ra quá trình trên, Beeman nói. “Nếu bạn đang đọc email hoặc thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi khắt khe khác, thì não sẽ không còn đủ khả năng cho điều này.”

Mặt khác, nghe nhạc có thể chỉ là một loại chuyển hướng nhẹ giúp thư giãn não bộ trong khi vẫn cho phép nó thực hiện ý tưởng mới hiệu quả, ông nói. Và thực tế, có nhiều bằng chứng về việc nghe nhạc có thể kích thích chế độ mạng lưới mặc định của bộ não - một tập hợp các vùng não được kết nối có liên quan đến cái bản chất sáng tạo.

Beeman không tranh cãi về kết quả của nghiên cứu mới cho thấy âm nhạc gây trở ngại việc giải quyết vấn đề sáng tạo. Ông nói rằng âm nhạc có thể không giúp giải đáp loại câu đố từ ngữ, bản thân ông cũng đã giúp thiết kế một thí nghiệm tương tự và xác nhận điều này nhiều năm trước trong nỗ lực đo lường tốt hơn một số khía cạnh của tư duy sáng tạo. Theo ông, thể loại câu đố cụ thể này đòi hỏi nhiều quá trình nhận thức, một số quá trình cần sự chú ý tập trung cao độ. Và tất cả các yếu tố gây mất tập trung, bao gồm âm nhạc sẽ tạo ra sự xao lãng.

Vì vậy, nếu một người đang ở trong giai đoạn đầu tiên của sự sáng tạo, đó là phân tích một vấn đề và loại bỏ các lựa chọn hoặc giải pháp hiển nhiên, nhạc nền có lẽ chưa thật sự hữu ích. Đây là một sự phiền nhiễu và bóp nghẹt ý tưởng, ông nói.

Nhưng nếu bạn đang mắc kẹt trong một vấn đề và bạn đang tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo, dừng lại và nghe nhạc hoặc tham gia vào thả lỏng tâm trí có thể cho phép não bộ tự do để “nạo vét” những ý tưởng hoặc hiểu biết mới, ông nói. Ông cũng trích dẫn nghiên cứu về mối liên kết giữa một tâm trí thảnh thơi và cảm hứng sáng tạo.

Trong những trường hợp đó, bạn nên bật loại nhạc nào? “Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào từng cá nhân. Đối với hầu hết mọi người, tôi nghĩ rằng một thứ gì đó dễ chịu và quen thuộc, không nên quá mới lạ, làm mất tập trung.”

Nam Hàn
(Lược dịch)