Những điều cần biết về stress

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị stress?

Bạn dễ dàng bị stress khi phải giải quyết quá nhiều việc. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng như thể bạn đang gặp nguy hiểm. Nó khiến cơ thể tiết ra những hormone làm tim đập nhanh, thở gấp và khiến cho bạn phải cố gắng hết sức. Đấy được gọi là phản ứng chống stress (fight or flight stress response).

Đôi lúc, stress cũng rất hữu ích. Nó giúp bạn làm việc chăm chỉ hơn và phản ứng nhanh nhạy hơn. Chẳng hạn như, stress đốc thúc bạn chiến thắng đường đua hoặc hoàn thành những việc quan trọng đúng thời hạn.

Tuy nhiên, bị stress thường xuyên và kéo dài sẽ gây nên những tác hại xấu. Stress dẫn đến những cơn đau đầu, đau bụng, đau lưng và kể cả khó ngủ. Stress còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm bạn dễ mắc bệnh. Nếu đang bệnh, stress có thể khiến cho bệnh trở nặng hơn. Ngoài ra, stress cũng là nguyên nhân khiến cho bạn buồn rầu, suy nhược và trầm cảm. Từ đó, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như học tập và công việc.

Cách đo mức độ stress

Đôi khi bạn có thể biết được chính xác nguyên nhân khiến bạn bị stress. Đó có thể là do mất đi người yêu thương, kết hôn hoặc sinh em bé… Nhưng có đôi lúc, bạn không biết được lý do bị stress.

Tìm ra nguyên nhân gây nên stress là rất cần thiết. Mỗi người có những cách cảm nhận và phản ứng khác nhau khi bị stress. Hãy ghi lại những điều khiến cho bạn bị stress. Đồng thời, ghi chép cách bạn phản ứng cũng như cách thức giải quyết stress. Nhờ vậy, bạn sẽ biết cách giảm stress thậm chí là giải tỏa stress.

Làm cách nào để tránh bị căng thẳng?

Sự thật là ngày nay có rất nhiều người bị stress. Sau đây là những cách giúp bạn giảm stress:

- Học cách quản lý thời gian thật khoa học. Với một kế hoạch làm việc rõ ràng, khoa học và ưu tiên làm trước những việc quan trọng nhất, bạn không những ít bị căng thẳng hơn mà còn làm được nhiều việc hơn.

- Hãy xem lại những cách bạn từng dùng để giải tỏa stress, cách nào hữu dụng, cách nào không. Suy nghĩ và tìm ra những cách khác hữu ích hơn.

- Quan tâm, chăm sóc bản thân. Nghỉ ngơi nhiều hơn. Ăn uống điều độ. Không hút thuốc. Hạn chế uống rượu, bia.

- Thay đổi cách suy nghĩ. Loại bỏ những suy nghĩ khiến bạn cảm thấy lo lắng.

- Đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ. Theo các nhà khoa học, những người có mối liên hệ mật thiết với gia đình và bạn bè thường kiểm soát căng thẳng tốt hơn. Hãy nói chuyện với bạn bè hoặc người thân trong gia đình để họ giúp bạn. Nếu cần, hãy tìm đến chuyên viên tư vấn.

Làm thế nào để giải tỏa căng thẳng?

Giải tỏa căng thẳng sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Mỗi người có những cách giải tỏa khác nhau. Sau đây là một vài gợi ý giúp bạn xoa dịu căng thẳng:

- Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất giúp giải tỏa căng thẳng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ tập thể dục.

- Bạn cũng có thể viết ra giấy những điều khiến bạn phiền muộn. Đó cũng là một cách giảm stress hiệu quả.

- Nếu cần thiết, hãy bộc lộ hết những cảm xúc như cười, khóc, kể lể và thậm chí là giận dữ với những người mà bạn tin tưởng.

- Làm những việc mà bạn yêu thích. Nghe nhạc, tham gia những hoạt động tình nguyện hoặc làm bất cứ những gì mà bạn yêu thích. Đó cũng là cách giải tỏa stress.

- Ngồi thiền. Đây cũng là cách hữu ích giúp tâm tịnh và xoa dịu stress.

- Hãy cố gắng tìm kiếm sự hài hước trong cuộc sống. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.

Ngọc Trâm
Theo healthlinkbc.ca