Nơi những người du mục biển dừng chân

Năm đảo nhỏ thuộc quần đảo Surin của Thái Lan là nơi tập trung nhiều cá thể khỉ đuôi lợn, cáo bay và kỳ đà nước sống men theo vùng rừng bao phủ các ngọn đồi. Dưới lớp nước biển trong xanh là đám rùa biển, cá hề và hải quỳ. Trong khi đời sống của các loài động vật ở đây cực kỳ sôi động, thì nơi này rất ít khi có du khách đến thăm. Cách duy nhất để đến được đây là di chuyển bằng thuyền, 60km về phía Tây Nam Thái Lan. Thực tế, quần đảo này chỉ có một ngôi làng tên là Ao Bon Bay (còn gọi là Moo Baan Ao Bon), dân cư của làng chủ yếu là bộ lạc bản địa, những người du mục biển Moken.



Năm 1981, quần đảo Surin được chọn là công viên quốc gia thứ 29 của Thái Lan, với tên gọi Vườn quốc gia Mu Ko Surin - một động thái nhằm bảo vệ các hòn đảo khỏi những ảnh hưởng mà quá trình phát triển du lịch mang lại. Biển bao phủ 80% trong tổng số 140km2 diện tích của công viên. Thuyền du lịch có thể đưa du khách thám hiểm xa bờ, nhưng đi bộ trên biển Mai Ngam và lặn với ống thở bên các rạn san hô trong bãi cạn cũng là một hoạt động vui chơi thú vị. Dụng cụ lặn có thể thuê từ cả hai bãi biển ở Ko Surin Nua. Nước ở đây trong đến mức có thể nhìn thấy ở khoảng cách 35m. Ngoài ra, nhiều công ty du lịch tư nhân còn cung cấp dịch vụ lặn trong ngày và nghỉ dưỡng dài ngày.



Trước đây, theo truyền thống, 200 đến 300 nhóm người du mục Moken ở quần đảo Surin thường di chuyển quanh 800 hòn đảo thuộc quần đảo Mergui trên những chiếc thuyền kabang làm bằng gỗ thủ công. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, cuộc sống của người Moken trở nên khó khăn hơn. Do nhiều người Moken không có quyền công dân quốc gia nên việc di chuyển của họ bị hạn chế. Kể từ sau thảm họa sóng thần năm 2004, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu cộng đồng Moken quần đảo Surin sống tại một ngôi làng duy nhất, Ao Bon Bay, nằm trên hòn đảo lớn thứ hai của quần đảo, Ko Surin Tai.

Khi còn theo lối sống du canh du cư, người Moken sống trên những chiếc kabang và dựng lều tạm từ vật liệu tự nhiên như lá cây dứa dại để sống qua mùa mưa. Ngày nay, họ sống trong những túp lều chắc chắn quanh năm. Suzuki Yuki, vị giáo sư Nhật Bản chuyên nghiên cứu về các nền văn hóa Thái Bình Dương hàng hải và các dân tộc du mục, đã sống ở làng trong khoảng thời gian 2007 - 2008 để viết luận án của mình về người Moken. Hàng năm, ông trở về Ko Surin Tai; một phần của nghiên cứu hàng năm của ông là đo khoảng cách từ các ngôi nhà đến bờ biển. Khi ngôi làng được xây dựng lại sau thảm họa sóng thần, những người trông coi công viên quốc gia yêu cầu người Moken xây dựng nhà của họ càng xa bờ biển càng tốt. "Nhưng họ đang dần dần trở lại nếp sống cũ" Yuki nói. "Họ đang tiến gần hơn về phía biển."

Cuộc sống trên đất liền



Nhà của người Moken làm từ các vật liệu tự nhiên với mái nhà làm từ lá dứa dại và sàn nhà làm từ tre, cũng như lối sống hoang dã của họ. Aporn Pumiputhavorn, điều phối viên dự án cho một tổ chức phi chính phủ hiện đang làm việc với làng Ko Surin Tai, giải thích: “Mỗi căn nhà của người Moken sẽ trông giống như thế này, họ đẩy tất cả mọi thứ vào sát các vách tường sao cho ở giữa trống trải. Khoảng trống ở giữa nhà được sử dụng để nấu ăn và ngủ”.

Thuyền kabang

Thuyền được đẽo rỗng ruột từ một khúc gỗ và dễ nhận biết bởi mũi và đuôi thuyền có hình chạc - còn gọi là phân nhánh - nhằm giúp thuyền rẽ nước, di chuyển nhanh hơn. Nhiều thuyền kabang của người Moken bị mất hoặc bị phá hủy trong thảm họa sóng thần, vì vậy các tổ chức như Chai Pattana Foundation, Rotary Club và Reuters tặng thuyền đuôi dài để thay thế chúng. Ngày nay, chỉ có một số ít thuyền kabang thủ công còn sót lại ở làng Ko Surin Tai.

Người Moken nổi tiếng về khả năng lặn kỳ diệu, họ có thể lặn ở độ sâu 15m hoặc hơn và nín thở trong vài phút. Họ sử dụng lao móc để săn bắt cá và hải sâm. Ngoài ra, họ cũng chuyển sang các vịnh nhỏ và bãi biển để kiếm sống.

Thế hệ tiếp theo



Không giống như cha mẹ và ông bà lớn lên trên những chiếc kabang, trẻ em Moken ngày nay sống trên đất liền. Tuy nhiên, nhiều tập tục vẫn còn được lưu giữ, trong đó có tìm kiếm thức ăn. Trong ảnh là một nhóm các thiếu nữ Moken đang nhặt sò dọc bờ biển đá Ao Sabparod, một bãi biển ở Ko Surin Tai. Họ sử dụng lưỡi dao tự chế để tách vỏ và đựng hàu trong xô nhựa.

Thùy Linh
Dịch từ BBC Travel