Phương pháp phẫu thuật mắt bằng laser giúp tăng gấp đôi số lượng giác mạc hiến tặng

Một kỹ thuật ghép giác mạc bằng laser mới được thực hiện thành công ở Anh lần đầu tiên, phương pháp mới này mang đến hy vọng tăng gấp đôi số lượng giác mạc hiến tặng có sẵn.

Được biết đến với tên gọi Femto LDVZ8, kỹ thuật này chính xác đến nỗi có thể chia mô giác mạc thành 2 phần, làm tăng số lượng sử dụng và bệnh nhân có thể hưởng lợi rất nhiều từ phương pháp này.



Ảnh: CLARA MOLDEN

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Southampton (UHS), nơi thực hiện ca phẫu thuật, cho biết thiết bị phẫu thuật trị giá 500.000 bảng Anh, có tốc độ dao động ở mức một phần tư của một giây.

Ở Anh, thị giác của 4.000 người đã được phục hồi thông qua một ca cấy ghép vào năm 2018 nhưng số lượng người hiến giác mạc vẫn thiếu.

Daniel Hackling, đến từ Totton, Southampton, trở thành bệnh nhân đầu tiên trải qua ghép giác mạc bằng laser và dự kiến thị giác của anh sẽ dần được cải thiện.

Người đàn ông 36 tuổi này được điều trị keratoconus, một tình trạng làm thay đổi hình dạng của giác mạc, gây ra mờ mắt và hình ảnh bị méo mó.

Giáo sư Parwez Hossain, chuyên gia tư vấn nhãn khoa tại UHS, cho biết lợi ích của việc có thể tách mô giác mạc chính xác cho phép một mô của người hiến giác mạc được sử dụng ở 2 người nhận và do đó một người hiến mắt có thể phục hồi thị lực cho 4 bệnh nhân.

Người phát ngôn của UHS cho biết phương pháp sử dụng năng lượng thấp nên ít có khả năng gây thiệt hại cho các bộ phận xung quanh mắt và vì không cần dùng lưỡi dao để phẫu thuật nên bệnh nhân trải qua phương pháp này có thể hồi phục vết thương tốt hơn.

Đình Phú
(Lược dịch)