Thế nào là kỹ năng đọc hiểu tốt đối với học sinh trung học? Câu trả lời không hề đơn giản.

Ảnh: iStock
Các độc giả vị thành niên cần có nền tảng đọc hiểu vững chắc, vừa phải đọc được trôi chảy, vừa phải nắm rõ từ vựng phù hợp với khối lớp mình theo học. Tuy nhiên, các bạn cũng cần một số kỹ năng tinh tế hơn. Một trong số đó là đọc hiểu chuyên môn, bởi chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau (như sử học, khoa học, văn học,…) có nhiều cách truyền đạt ý tưởng khá khác nhau.
Dưới đây là 4 câu hỏi trọng tâm về kỹ năng đọc hiểu trong lịch sử nói chung và khoa học xã hội nói riêng. Hai chuyên gia trả lời bao gồm: Joel Breakstone, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Digital Inquiry Group - tổ chức phi lợi nhuận chuyên về chương trình học khoa học xã hội; và Matt Sekijima - giáo viên khoa học xã hội tại Học khu Los Angeles, đồng thời là giảng viên Thạc sĩ Chương trình Sư phạm tại University of California, Irvine.
Các sử gia đọc như thế nào?
Các nhà sử học tiếp cận các nguồn văn thư quá khứ “rất khác” so với đại đa số học sinh trung học, theo Breakstone. Ông cho biết: “Học sinh đọc văn bản thời trước như bất kỳ loại văn bản nào khác - từ đầu đến cuối và đọc hiểu nội dung.”
Còn các sử gia lại tìm hiểu về nguồn văn bản trước. Breakstone giải thích: “Ai đã viết nên văn bản này? Vào lúc nào? Vì mục đích gì? Trước khi đọc nội dung, họ sẽ xem xét nguồn gốc văn bản. Họ muốn tìm hiểu bối cảnh lịch sử ảnh hưởng đến nội dung văn bản như thế nào.”
Làm sao để đọc như một sử gia trong môi trường lớp học?
Giáo viên có thể hỏi học sinh về sự kiện xảy ra ngay trước hoặc ngay sau thời điểm một văn bản nào đó xuất hiện. Hiểu được các thông tin bối cảnh hữu quan sẽ giúp học sinh nắm rõ quan điểm của những nhân vật lịch sử cụ thể, từ đó hình dung được bức tranh chi tiết hơn về các sự kiện xảy ra trong quá khứ.
Breakstone đưa ra ví dụ trong nhật ký năm 1775, Trung uý John Barker người Anh có viết rằng ông khó có thể kiểm soát được binh lính dưới quyền mình. Breakstone giải thích: “Mọi chuyện sẽ sáng tỏ nếu ta biết rằng vụ Thảm sát Boston xảy ra chỉ vài năm trước đó và nhiều sĩ quan Anh phải hầu toà vì vụ việc. Vậy nên Barker dễ dàng đổ lỗi cho binh lính bất tuân hơn là nhận trách nhiệm về phần mình.”
Giáo viên bồi đắp những kỹ năng này như thế nào?
Sekijima cho rằng bất kỳ văn bản nào cũng có thể đặt ra nhiều câu hỏi liên quan: “Tiểu sử của tác giả ra sao? Họ có thiên kiến gì? Rất có thể họ có nhiều hơn một thiên kiến đấy.” Theo ông, học sinh cần hiểu rằng bất cứ cá nhân nào cũng có quan điểm riêng và không có ai thật sự là “nhà viết sử trung lập”.
Giáo viên cũng có thể nhấn mạnh không nên bỏ qua một nguồn sử nào đó chỉ vì nó thể hiện thiên kiến. Breakstone làm rõ: “Cần để học sinh hiểu rằng thực tế không phân rõ trắng đen. Văn bản thể hiện quan điểm chưa chắc đã vô dụng. Chỉ là ta nên chú ý rằng nó có chứa những thiên kiến như vậy thôi.”
Breakstone cho rằng phương pháp giảng dạy trên đòi hỏi các văn bản hàng trăm năm tuổi phải dễ hiểu với học sinh: “Các văn kiện lịch sử không được viết cho độc giả vị thành niên. Để học sinh có thể tiếp nhận và cảm thấy cuốn hút với những hoạt động đọc và biện luận nói trên, giáo viên cần phải dẫn dắt thật từ tốn và tinh tế.”
Hầu hết học sinh không theo ngành sử, vậy kỹ năng này có thật sự hữu ích?
Học sinh có thể sử dụng kỹ năng truy nguồn để đặt ra những câu hỏi quan trọng như: Đâu là nguồn của thông tin mà tôi đang đọc? Người đầu tiên phổ biến thông tin đó có quan điểm thế nào? Breakstone và Sekijima tin rằng đó là những câu hỏi có thể dùng để chất vấn bất kỳ thông tin nào, không chỉ là tư liệu lịch sử.
Tại lớp Sekijima đang giảng dạy, ông cho học sinh so sánh trang chủ một số web tin tức đăng bài về các cuộc tranh luận tổng thống 2024; các em phải chỉ ra thông tin nào được làm nổi bật, thông tin nào bị lược bỏ, và các trang tin khác nhau viết về từng ứng viên tổng thống ra sao. Bài tập này giúp các em nhận ra báo chí góp phần hình thành dư luận như thế nào.
Bên cạnh đó là một số ứng dụng rộng hơn. Khi học sinh lặp lại thuyết âm mưu nghe được từ bạn bè, hay thậm chí là “tin đồn quanh trường”, Sekijima sẽ đưa ra những câu hỏi: “Em đã truy nguồn thông tin đó chưa? Em có bằng chứng xác thực tin đó hay không?” Sekijma nhận định những ứng dụng thực tiễn như trên cho thấy “đó không chỉ là lý thuyết”: “Và vì vậy chúng tôi mới rèn luyện kỹ năng này tại lớp học.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)