Thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng nhiều phương pháp như quan sát, vấn đáp, qua hồ sơ học tập, bài kiểm tra.

Ngày 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư 27 về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Văn bản này kế thừa quan điểm đánh giá "vì sự tiến bộ của học sinh" như Thông tư 22 năm 2016, song có nhiều điểm mới.

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực. Giáo viên có thể sử dụng các phương pháp như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ sơ học tập, sản phẩm, hoạt động của học sinh, kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận.

Giáo viên đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học. Giáo viên bộ môn căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về thành phần năng lực của từng môn để xem xét học sinh theo các mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.

Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, các môn học bắt buộc gồm Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá học sinh. Lớp 4-5, học sinh có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II.

"Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác", thông tư quy định.



Học sinh tiểu học ở TPHCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Về khen thưởng, Thông tư 27 cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế quá nhiều giấy khen trước đây. Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh xuất sắc hoặc Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho học sinh thực sự xuất sắc và xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.

Cụ thể, danh hiệu Học sinh xuất sắc được trao cho những em được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành xuất sắc; Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện sẽ trao cho những em được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực.

Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Những em có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Bên cạnh đó, thông tư bổ sung hình thức "thư khen" trong hoạt động khen thưởng học sinh. Cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện hoặc có những việc làm tốt.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khẳng định quy định trong thông tư về đánh giá và xếp loại học sinh không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên. "Các quy định tường minh về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá sẽ giúp giáo viên tiếp cận, triển khai hệ thống, bài bản, khoa học và giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá, để tập trung vào quá trình giảng dạy", ông Tài nói.

Theo DƯƠNG TÂM
(Vnexpress)