Trường đại học tại TP.HCM hợp tác với ông lớn viễn thông Viettel trong việc nghiên cứu chip 5G

Một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác với một tập đoàn công nghệ trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm tạo ra mạch tích hợp 5G, hoặc chipset 5G.



Ông Nguyễn Cương Hoàng (hàng trước, bên trái), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), bắt tay TS. Nguyễn Danh Thảo, Hiệu phó Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và sản xuất chipset 5G diễn ra vào ngày 09/7/2020 - Ảnh: Diệu Linh / Tuổi Trẻ

Đại học Công nghệ (UT) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) - đơn vị chuyên về nghiên cứu và sản xuất thuộc tập đoàn viễn thông khổng lồ Viettel - trong công tác nghiên cứu và phát triển mạch tích hợp dùng cho mạng di động thế hệ thứ 5 (5G).

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ trong mảng điện tử và viễn thông, bao gồm các mảng như: nghiên cứu và phát triển các mạch tích hợp dùng cho 5G, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp công nghệ mới.

Hai bên cũng cam kết chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thường xuyên và sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trong phần đầu của thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký kết, UT sẽ cung cấp cho VHT các dịch vụ về tư vấn và thiết kế chip thu phát 5G trong khoảng thời gian 14 tháng.

Về phía mình, VHT cũng hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các công trình nghiên cứu khoa học thành ứng dụng công nghệ thực tiễn tại trường đại học thông qua thỏa thuận hợp tác bằng cách thương mại hóa thành quả các công trình nghiên cứu của trường.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm thiết kế vi mạch Viettel của VHT cho biết, lý do công ty quyết định hợp tác với UT là vì nhóm nghiên cứu của trường sở hữu các thành viên có chuyên môn cao trong mảng phát triển các mạch tích hợp.

"Đội ngũ kỹ sư của trường đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong những năm qua, một số thành phẩm nổi bật nhất của trường có thể kể đến như DVB-T - chip thu kênh truyền hình kỹ thuật số mặt đất, bộ khuếch đại công suất, bộ khuếch đại nhiễu thấp (LNA), các dải mmWave và các mạch tích hợp liên quan khác", ông Kiên cho biết.

Ông Kiên cũng bày tỏ kỳ vọng VHT sẽ duy trì quan hệ hợp tác lâu dài với UT không chỉ trong mảng chipset 5G mà còn mở rộng phạm vi hợp tác sang các lĩnh vực khác như công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT), và trí tuệ nhân tạo (AI).



Một thành viên nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cho đại diện của Viettel một thiết bị nghiên cứu - Ảnh: Diệu Linh / Tuổi Trẻ

Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc VHT, cho biết việc thiết kế và sản xuất mạch tích hợp cho mạng 5G được coi là bước đi quan trọng của Viettel trong chiến lược làm chủ hoàn toàn công nghệ hệ thống mạng không dây 5G.

Ông Hà nhấn mạnh, Viettel đã đặt mục tiêu sản xuất được chipset 5G tại Việt Nam với quyết tâm cao độ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài việc kết nối với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel còn có kế hoạch tập hợp đội ngũ chuyên gia trong nước về sản xuất chip và các nhà khoa học đến từ các trường đại học trên khắp Việt Nam.

Tập đoàn Viettel, có trụ sở tại Hà Nội, hiện là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Việt Nam do Bộ Quốc phòng Việt Nam điều hành.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)