Vai trò của âm nhạc trong giáo dục trẻ em

Nhiều thập kỷ qua, âm nhạc luôn giữ một vai trò quan trọng ở trường học đối với mọi trẻ em trên nước Mỹ.



Gần như mỗi lớp học ở các trường tiểu học trên toàn quốc đều có đàn piano, và hầu hết giáo viên đều có thể chơi được những bài nhạc đơn giản để học sinh có thể hát theo sở thích của mình. Học các bài hát yêu nước, như Quốc ca, là một việc bắt buộc và đôi khi những bài hát về tôn giáo cũng được thêm vào trong các tiết mục. Học sinh mong đợi được biểu diễn tại các buổi hòa nhạc để thể hiện tài năng của mình. Ngày nay, xu hướng cắt giảm kinh phí cho các chương trình âm nhạc là một điều đáng báo động. Học sinh đã không còn cơ hội được học một loại nhạc cụ hay được hát trong một dàn hợp xướng nữa. Cũng chính vì vậy mà các chương trình về âm nhạc ở các bậc trung học cũng sớm bị loại bỏ.

Thật sự đáng tiếc! Ngày càng nhiều các nghiên cứu khoa học chứng minh những lợi ích của âm nhạc trong giáo dục và lý do vì sao chúng ta cần duy trì các chương trình này.

Âm nhạc và sự ảnh hưởng của nó đến trẻ em

Khi trẻ em được tiếp xúc với các bài học về âm nhạc hàng tuần, các buổi diễn tập hợp xướng hay các lớp học nhạc nói chung sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Tất cả chúng ta đều thích ngắm nhìn những đứa trẻ tự do nhảy múa khắp phòng, hát theo những giai điệu mà chúng yêu thích bằng một giọng hát trong veo và khỏe mạnh. Âm nhạc rõ ràng là một phương tiện để thể hiện sự sáng tạo.

Không chỉ đơn thuần là tạo cơ hội cho các em được ca hát và nhảy múa, các nhà nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích vượt trội do âm nhạc mang lại. Ví dụ, âm nhạc giúp rèn luyện tính tự giác. Một đứa trẻ biết phân chia thời gian cho việc luyện tập âm nhạc mỗi ngày cũng sẽ hình thành các thói quen tương tự đối với những môn học khác. Kỹ năng tổ chức được phát triển và trẻ sẽ học được cách phải làm thế nào để trở nên giỏi ở từng lĩnh vực.

Diễn hợp xương giúp xây dựng tinh thần đồng đội. Các thành viên trong ban nhạc hay người điều khiển đội hợp xướng đều biết được tầm quan trọng của việc trở thành một thành viên đáng tin cậy trong nhóm. Tham gia diễn hợp xướng cũng giúp rèn luyện tinh thần trách nhiệm. Ví dụ, khi trẻ đóng vai trò là giọng nam cao duy nhất trong đội hình hợp xướng, khi đó trẻ sẽ hiểu rằng mình bắt buộc phải có mặt trong các buổi diễn tập.

Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng, đọc nhạc hay chơi một nhạc cụ giúp phát triển kỹ năng tư duy cao hơn. Những đứa trẻ có kỹ năng âm nhạc tốt sẽ xuất sắc hơn trong cách giải quyết vấn đề, đánh giá và phân tích. Việc đọc nhạc sử dụng phần não giống nhau như khi thực hiện các tư duy toán học. Đó là lý do vì sao nhiều nhạc sĩ lão thành cũng rất giỏi ở bộ môn Toán.

Đối với những đứa trẻ không nổi trội trong việc học tập, thì âm nhạc giúp xây dựng lòng tự trọng. Nhiều em xem âm nhạc là cơ hội để được tỏa sáng, để khẳng định bản thân. Đó cũng là lý do vì sao mà các chương trình âm nhạc là rất quan trọng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ đam mê âm nhạc ít có khả năng bị lôi cuốn vào các thói quen không tốt như uống rượu, bia hay sử dụng ma túy. Một đứa trẻ mà dành hết thời gian sau giờ học của mình với ban nhạc để chia sẻ với những người có cùng sở thích sẽ hiếm khi bị vướng vào những thói quen tiêu cực.

Mỹ Hằng
Theo more4kids.info