Vì sao Caitlin Clark không được chọn vào đội bóng rổ đại diện Mỹ đi thi Olympic?

Quyết định không đưa tên Caitlin Clark vào đội tuyển bóng rổ quốc gia dự thi Olympic từ USA Basketball khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Vì sao một trong những tân binh đầy tiềm năng, nổi bật nhất trong lịch sử WNBA lại không được tham gia đại hội thể thao lớn nhất hành tinh tại Paris?



Số lượng khán giả đón xem Caitlin Clark thi đấu cả tại sân lẫn qua màn ảnh nhỏ đều phá vỡ các kỷ lục trước đây - Ảnh: Jayne Kamin-Oncea/USA Today

Trả lời phỏng vấn sau buổi tập hôm 09/6, Clark nói cô không thất vọng vì quyết định trên: “Xem như tôi có mục tiêu để phấn đấu rồi đó. Đây là nguồn động lực, là ước mơ giúp tôi tiến lên phía trước. Tôi sẽ nhớ mãi lần này, và rồi sau 4 năm nữa, hy vọng là tôi có thể lên đường đến Thế vận hội.”

Song, một số chuyên gia như Christine Brennan từ CNN lại cho rằng USA Basketball đã ra “quyết định hết sức tệ hại” khi loại Clark khỏi đội tuyển quốc gia.

“Va chạm mạnh”

Đứng trên góc độ PR, Clark góp mặt trong đội tuyển là nước đi hợp lý. Song, xét lại những vấp ngã cùng những chỉ số của tay bóng trẻ trong mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, có lẽ quyết định của USA Basketball không bất ngờ đến vậy.

Ngay từ đầu, Clark đã rất chật vật vì vấn đề thể lực, và các cuộc thi trên trường quốc tế sẽ không kém phần khốc liệt so với giải WNBA sân nhà là bao. Hình ảnh thường thấy là cô hậu vệ dẫn bóng thanh mảnh bật dậy sau nhiều lần ngã. Suốt mùa giải, cô liên tục bị đối phương phạm lỗi, nhiều lần là cố ý.



Pha phạm lỗi của Chennedy Carter (áo số 7 màu xanh) đối với Clark (góc phải bên dưới) được quyết là phạm lỗi cố ý - Ảnh: Brian Spurlock/apnews

Clark nhận xét sau trận đối đầu với Chicago Sky: “Tôi nghĩ giờ đây va chạm mạnh là chuyện hiển nhiên và chắc chắn nó sẽ không khiến tôi khuất phục.”

Có thể dễ hiểu vì sao Clark luôn là mục tiêu hàng đầu của dàn phòng ngự đối phương trong toàn mùa giải. Không may là cô vẫn chưa tìm cách khắc chế hết các chiến thuật cản phá.

Trong 13 trận vừa qua, Clark bị giành bóng tổng cộng 70 lần - con số cao nhất trong lịch sử WNBA, cách xa nhiều cầu thủ khác. Trung bình 5,4 lượt mất bóng/trận của cô cũng nhiều hơn đáng kể người xếp thứ hai, Alyssa Thomas, với 4,3 lượt/trận. Tỷ lệ ném bóng của Clark là 37,3%, với 33% là từ vùng 3 điểm - xem như thế mạnh của cô. Khó có cơ hội tay chuyền bóng Indiana Fever thoát khỏi gọng kìm của đối thủ khi tiến ra sân chơi Olympic.



Clark mất bóng tổng cộng 70 lần - con số cao nhất trong lịch sử WNBA - Ảnh: Greg Fiume/Getty Images

Với những thông số như vậy, dễ hiểu vì sao Clark khó có cơ hội tham gia đội tuyển quốc gia. Nhưng nếu thật sự là vậy thì vì sao Diana Taurasi vẫn góp mặt khi chỉ ghi được trung bình 16,6 điểm với tỷ lệ ném bóng có 37,1%, trong khi số lần bắt bóng bật bảng, kiến tạo, và cướp bóng trung bình mỗi trận đều ít hơn Clark?

“Nghỉ ngơi dưỡng sức”

Sau 13 trận mùa giải 2024, dàn phòng ngự đội Indiana Fever bị đánh giá hạng 111,7, thấp nhất trong WNBA, phần lớn do Clark chật vật khoản phòng thủ.

Breanna Stewart, 2 lần vô địch WNBA, cùng Brittney Griner, 9 lần thắng All Star, và A’ja Wilson, 2 lần đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất, tất cả đều đã được chọn cho tuyển quốc gia. Ngay cả Taurasi, từng 5 lần ăn mừng chiến thắng Olympic cùng đồng đội và tuy phong độ năm nay có đà giảm sút, vẫn có chân trong đội tuyển nhờ kinh nghiệm lâu năm.

Nếu được chọn, Clark sẽ là cầu thủ trẻ nhất và non tay nghề nhất trong đội. Hiện hai cái tên trẻ tuổi nhất có mặt trong danh sách là Sabrina Ionescu và Jackie Young, đều mới 26 tuổi nhưng đã có nhiều thành tích sáng giá ở các giải All Star.

Mặt khác, từ lúc dẫn quê nhà Iowa giành chức vô địch NCAA hai lần liên tiếp rồi ngay lập tức được Indiana Fever đón về đến khi toả sáng tại WNBA, Clark gần như hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ có hai cầu thủ WNBA khác có số phút ra sân nhiều hơn cô: bộ đôi kỳ cựu Breanna Stewart và Betnijah Laney-Hamilton. Về lâu dài, có lẽ sẽ tốt hơn cho cả Clark lẫn liên đoàn bóng rổ nếu cô có chút thời gian tạm nghỉ.

Cầu thủ 22 tuổi cũng tỏ ra vui mừng khi không phải tham gia Olympic cũng như WNBA không còn trận nào trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội: “Tôi hào hứng thi đấu từng giây một, nhưng cơ thể tôi cần nghỉ ngơi trong tháng tới. Đầu tiên là nghỉ ngơi dưỡng sức, tạm gác lại bóng rổ qua một bên, rồi tìm đến nơi yên bình.”

Trả lời câu hỏi của Don Riddell từ CNN World Sport, chuyên gia thể thao Christine Brennan tiết lộ sức ép dư luận có lẽ cũng là lý do vì sao Clark không có mặt trong tuyển quốc gia kỳ này: “Tôi nghe từ hai nguồn vô cùng đáng tin cậy nói rằng nhiều người lo nếu Caitlin được đưa vào đội tuyển và chỉ ra sân trong vài phút ngắn ngủi - vốn là chuyện bình thường đối với các tân binh lần đầu dự Olympic, chưa kể đội tuyển Mỹ trong vòng 30 năm trở lại chỉ vụt mất chức vô địch năm 1992 - thì người hâm mộ sẽ rất bất bình. Khi đó báo đài, cộng đồng mạng sẽ lại dậy sóng.”

Brennan còn nói: “Không thể tin phản ứng dư luận đối với Caitlin Clark lại là chủ đề được mang ra bàn tán. Và liệu đây có phải điều mà Diana Taurasi và Breanna Stewart úp mở trong buổi trò chuyện về vòng tứ kết vừa qua hay không?”

Stewart từng nhận xét Clark cần thắng chức vô địch quốc gia nếu muốn nhập hội với những tên tuổi lớn trong lịch sử bóng rổ nữ Hoa Kỳ, mặc cho thực tế là Clark hiện đang nắm giữ kỷ lục về số bàn thắng ghi được trong Bảng I NCAA, cao hơn cả thành tích của bên nam. Về Taurasi, cô này cho rằng Paige Bueckers, cầu thủ còn không được góp mặt trong mùa WNBA năm nay, là lựa chọn xứng đáng hơn Clark cho tuyển quốc gia. Cả Stewart và Taurasi sau đó nói rõ họ không có ý tiêu cực khi nhận xét về Clark.

Trả lời phỏng vấn Associated Press (AP) hôm 11/6, Jennifer Rizzotti, trưởng ban lựa chọn thành viên tuyển quốc gia nữ thuộc USA Basketball, cho hay: “Sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng tôi cân nhắc những yếu tố khác ngoài tác động từ lối chơi của Clark đối với hiệu suất toàn đội. Chúng tôi không có nhiệm vụ phán quyết xem bao nhiêu người sẽ xem tuyển quốc gia thi đấu hay bao nhiêu sẽ ủng hộ tuyển Mỹ. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là xây dựng đôi bóng hùng mạnh nhất cho huấn luyện viên Cheryl Reeve dẫn dắt.”

“Hiện tượng trong giới thể thao”

Song, Brennan cho rằng sự vắng mặt của Clark là rất khó hiểu nếu USA Basketball thật sự muốn nhiều người biết và tham gia vào bộ môn bóng rổ nữ hơn.

Theo bà: “Cô là hiện tượng trong giới thể thao, nổi bật không chỉ đối với làng bóng rổ nữ Hoa Kỳ. Có thể nói cô là vận động viên nổi nhất toàn quốc hiện nay. Không chỉ chơi giỏi, Clark còn đại diện cho bóng rổ trường đại học, và rất có thể cô sẽ đưa tuyển quốc gia đến đài vinh quang. Ghi điểm 3 là lợi thế rất lớn trong các trận so tài quốc tế. Các chỉ số của cô tốt hơn hẳn Diana Taurasi - cầu thủ tham gia tranh tài Olympic lần thứ sáu trong sự nghiệp. Nói cách khác, sự xuất hiện của Clark sẽ là làn gió mới khiến ai cũng ngước nhìn.”

Theo WNBA, trận mở màn mùa giải 2024 thu hút đông khán giả truyền hình nhất trong vòng 26 năm trở lại đây, một phần không nhỏ nhờ sự xuất hiện của Clark. Có thể biện luận rằng đưa Clark vào tuyển quốc gia cũng có ảnh hưởng ở tầm quốc tế, khiến người hâm mộ quả bóng cam toàn cầu được tận mục sở thị hiện tượng thể thao hiếm thấy. Bao nhiêu người sẽ bỏ tiền mua vé xem Clark trực tiếp thi đấu? Bao nhiêu người sẽ tò mò bật ti vi lên xem vì sao nước Mỹ mê mẩn với tài năng thế hệ mới này?

Brennan dự đoán: “Cả thế giới sẽ dõi theo còn thể thao nữ sẽ được dịp phát triển mạnh. Những cô bé từ tận Châu Phi sang Châu Âu sẽ chứng kiến kỳ tích của áo số 22 và mong muốn có được một chiếc như vậy, cũng như muốn cầm quả bóng lên và thử bắn vào rổ xem sao. Đó rất có thể là thời khắc truyền cảm hứng cho phái nữ bất kể tuổi tác, nhưng đáng tiếc lại không bao giờ thành hiện thực bởi quyết định hết sức tệ hại của USA Basketball.”

Chuyện tân binh được gọi tên vào tuyển quốc gia không phải hiếm. Rebecca Lobo, Diana Taurasi, Candace Parker, và Breanna Stewart đều là tân binh WNBA khi góp mặt tuyển quốc gia thi đấu Olympic vào các năm 1996, 2004, 2008, và 2016. Ở phía đội nam, đáng chú ý nhất là Christian Laettner, tân binh trong dàn ngôi sao NBA hùng hậu đại diện nước Mỹ ở Thế vận hội 1992.

Brennan giải thích: “USA Basketball thường chọn một tân binh cho đội tuyển quốc gia cả bên nam lẫn nữ để gợi nhắc về liên đoàn bóng rổ đại học, về nguồn gốc phát triển môn thể thao này, qua đó phản ánh mục tiêu ngày càng phát triển, mở rộng của USA Basketball.”



USA Basketball chọn các ứng viên dày dặn kinh nghiệm cho tuyển quốc gia, bao gồm Diana Taurasi (thứ hai từ bên phải) và Breanna Stewart (thứ hai từ bên trái) - Ảnh: Gregory Shamus/Getty Images

Dù có Clark hay không, tuyển quốc gia Hoa Kỳ chắc chắn vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho huy chương vàng tại Paris, với thành tích đáng nể kéo dài từ năm 1992 đến hiện tại. Có lẽ Clark chỉ phải chờ thêm 4 năm nữa để có cơ hội tạo nên dấu ấn cho riêng mình trên trường quốc tế.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)