Sắc đẹp

Hoàng thái hậu Từ Dũ

Triều đại nhà Nguyễn thế kỉ XX gắn liền với vai trò cực kì quan trọng của một người phụ nữ. Bà vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm. Cả cuộc đời bà yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh muôn thuở, là bậc mẫu nghi thiên hạ của mọi thời đại, Hoàng thái hậu Từ Dũ.



Hoàng thái hậu Từ Dũ - Ảnh: internet

Thái hậu Từ Dũ (hay Từ Dụ) tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh Ngọ (1810) tại Giồng Sơn Quy (Gò Rùa), làng Gò Công, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định (sau thuộc tỉnh Gò Công, nay thuộc Tiền Giang). Bà là trưởng nữ của Quốc công Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị.

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng thái hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) – con vua Minh Mạng và là cháu trai của Cao Hoàng Thái Hậu.

Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diên Phúc công chúa. Cách năm sau, bà sinh Bảo Minh công chúa. Vào ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1892), bà sinh người con thứ ba, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức). 

Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, tức vua Thiệu Trị, bà trở thành Cung tần, được giữ chức Thượng Nghi để coi sóc Lục Thượng. Hai năm sau, bà được phong Thần Phi. Qua đầu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Giai Phi, rồi Nhất Phi. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, thanh tao, giản dị, nhân từ khiến mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng.

Hằng đêm, vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu mà không biết mệt mỏi và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc. Bà thường hay góp ý với vua: “Làm người ắt phải học, nhiên hậu biết được điều thiện, điều ác. Điều thiện nên phát huy, điều ác nên tránh xa để không sa vào chỗ tà. Sách xưa có câu: Nhân bất học bất tri đạo (người chẳng học chẳng biết đạo lý)”. Bà thường khuyên bảo các cung tần nên tận tụy trong công việc. Bà là người thưởng phạt công minh. Ai phạm lỗi bà đều tìm cách dạy dỗ, bảo ban hơn là sử dụng hình phạt.

Nhưng cuộc đời làm vợ của bà rất ngắn ngủi. Năm 1847, vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng qua đời sau 8 năm nối ngôi cha trị vì đất nước. Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời. 

Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức. Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân. Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát. 

Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm trong chi tiêu. Bà thẳng thắn phê phán thói cậy quyền, cậy chức, tham ô, xa hoa, lãng phí. Bà thường khuyên triều thần: “Một sợi tơ, một hạt gạo cũng là máu mỡ, là mồ hôi nước mắt của dân, nên lãng phí đã không ích gì mà lại đáng tiếc lắm vậy, chi bằng cất vào kho để dùng vào việc nước”. Bà rất nghiêm khắc với thân nhân, phê phán gắt gao kẻ dựa thế cậy quyền dòng họ nhà bà để cầu vinh, cầu chức. Mặt khác, bà rất trọng dụng hiền tài như Võ Trọng Bình một lòng thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn, hay Nguyễn Tri Phương giỏi giang, mẫn cán trong mọi việc. Bà thường khuyên rằng: “Nếu được nhiều người như vậy, đặt ra mỗi tỉnh một người, việc dân được bổ ích rất nhiều, mà vua cũng khỏi lo nhọc ngày đêm...”. 

Từ ngày lên ngôi, Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ, nhưng bà nhất định từ chối hoặc trì hoãn vì sợ tốn kém. Mãi đến ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2 (tức 7/5/1849), nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo và tôn hiệu là Hoàng thái hậu.

Ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (tức 19 tháng 7 năm 1883), vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Nhưng vì việc nước rối ren, mãi đến năm 1885, Hàm Nghi nguyên niên, nhà vua mới có thể làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.

Năm 1887, Đồng Khánh thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bát huệ Thái hoàng Thái hậu.

Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bát huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu.

Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần (tức 12 tháng 5 năm 1902) thọ 92 tuổi, được dâng tên thụy là Nghi thiên tán thành, Từ Dụ Bát huệ trai túc tuệ đạt thọ đức nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dụ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Ngày 20 tháng 5 cùng năm, triều đình cử hành đại lễ an táng bà phía sau bên trái Xương Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX. Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.

Thúy Diễm
(Sưu tầm)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán