Trang chủ»Văn hóa xã hội»Sức khỏe - Thực phẩm

Sức khỏe - Thực phẩm

Cận thị ở trẻ em

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em từ 6 – 15 tuổi mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, 2/3 trong số đó bị cận thị. Con số này ngày càng gia tăng, trở thành mối lo ngại của nhiều bậc cha mẹ.

Cận thị là gì?

Tật cận thị là một dạng lỗi khúc xạ ảnh hưởng đến cơ chế hội tụ của mắt. Do nhãn cầu bị dài ra, tia sáng sẽ hội tụ trước võng mạc thay vì ngay võng mạc. Kết quả là những vật thể ở gần nhìn thấy rõ còn những vật ở xa thì lại mờ.

Vì sao trẻ bị cận thị?

Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: đặc biệt là khoảng thời gian từ 7 - 9 tuổi và 12 - 14 tuổi, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá nhiều rất dễ gây ra cận thị.

Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ: hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5 kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng: trẻ sinh thiếu tháng từ 2 tuần trở lên thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.

Bố mẹ bị cận thị rất dễ di truyền sang con cái. Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.

Trẻ xem tivi quá gần: nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi nhiều hơn 2 giờ với khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm.



Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Cần làm gì để phòng ngừa cận thị ở trẻ?

Phụ huynh hãy luôn luôn đảm bảo trẻ có ánh sáng tốt khi đọc sách hoặc học tập. Ánh sáng quá mạnh lẫn ánh sáng quá mờ đều làm cho mắt trẻ mệt mỏi, cần nên tránh.

Không để trẻ đọc sách, viết chữ liền trong thời gian dài. Sau 1 giờ là phải nghỉ đọc, viết; nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn. Không nên xem tivi 2 - 3 giờ liền.

Khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy cần xa khoảng 30 - 50cm. Đồng thời phải chú ý đến tỷ lệ cao thấp của ghế ngồi. Cần điều chỉnh ngay nếu độ cao này chưa thích hợp.

Tư thế ngồi học của trẻ phải ngay ngắn. Khi viết không để đầu trẻ nghiêng ngả hoặc không nằm xem sách, vừa ăn vừa xem sách báo, xem tivi, hoặc vừa đi vừa xem.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm có protein và vitamin. Khi học tập căng thẳng, càng phải chú ý bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tập luyện thể dục thể thao.

Giáo dục cho trẻ thói quen giữ gìn đôi mắt sạch sẽ. Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm một lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.

Nếu phụ huynh nghi ngờ trẻ mắc tật cận thị, hãy kiểm tra thị lực cho trẻ ngay lập tức để tình trạng không chuyển biến nặng thêm. Thời điểm tốt nhất để kiểm tra thị lực là trước khi trẻ bắt đầu đến trường.

Trẻ em ăn quá nhiều bánh mì dễ bị cận thị

Nghiên cứu mới đây của Mỹ và Úc cho rằng: ăn quá nhiều bánh mì khi còn nhỏ là nguyên nhân dẫn đến cận thị. Bột tinh chế có trong bánh mì và ngũ cốc làm tăng nồng độ insulin trong máu, khiến nhãn cầu phát triển dài hơn bình thường, gây ra chứng cận thị. Giả thuyết này được các nhà khoa học tại Đại học bang Colorado (Mỹ) và Đại học Sydney (Úc) đưa ra.

Người ta cũng nhận thấy rằng chứng cận thị hay gặp hơn ở người mắc chứng béo phì hoặc bị bệnh tiểu đường type 2 (khởi phát ở người trưởng thành). Trong cả hai trường hợp này, nồng độ insulin đều tăng cao. Chứng cận thị cũng tiến triển chậm hơn ở những đứa trẻ có chế độ ăn giàu protein. Hiện tại ở châu Âu, khoảng 30% dân số mắc chứng cận thị.

(Nghiên cứu đăng trên tạp chí Acta Ophthalmologica Scandinavica)

Ngọc Minh
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán