Trang chủ»Văn hóa xã hội»Sức khỏe - Thực phẩm

Sức khỏe - Thực phẩm

Đông y

Đông y không chỉ thể hiện tính ưu việt trong trị bệnh mà còn trong phòng bệnh vì nó chú trọng nhiều đến việc cân bằng cơ thể hơn là chỉ vào các triệu chứng bệnh. Vì thế, Đông y có thể được gọi là ngành y học cân bằng.

Cuộc sống hiện đại đầy ô nhiễm, áp lực và mất cân bằng làm cho sức khỏe con người ngày càng kém đi và các ngành nghiên cứu y học đã và đang nỗ lực để tìm cách cải thiện tình hình sức khỏe cho con người. Trong khi Tây y đang đi đầu trong việc tìm ra những giải pháp mới cho sức khỏe con người thì ở mỗi quốc gia hiện nay đều có những cách trị liệu riêng của mình theo y học cổ truyền. Ở Hàn Quốc, Đông y – ngành y học có chung nguồn gốc với y học cổ truyền Trung Hoa đã có từ rất lâu và được xem như y học cổ truyền của họ. Qua thời gian, giá trị của ngành y học này đã được công nhận là ngành y học chú trọng tới thể trạng, đặc điểm riêng của từng bệnh nhân cũng như đặc điểm riêng của từng vùng khí hậu.

Đặc điểm nổi bật nhất và cũng là thế mạnh của Đông y là đặt chính bản thân bệnh nhân lên trên hết



Nấm linh chi - một vị thuốc Đông y. Ảnh: vietnamplus.vn

Thay vì chỉ nhắm vào các triệu chứng hay mầm bệnh để trị bệnh như Tây y, Đông y sử dụng các phương pháp trị bệnh bằng cách tìm ra nguyên nhân làm xuất hiện những biểu hiện bệnh trên bệnh nhân hoặc nguyên nhân những mầm bệnh phát triển trong cơ thể rồi tìm cách trị dứt điểm những nguyên nhân ấy. Tuy nhiên, tùy vào tính cấp bách của bệnh, nếu bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng khẩn cấp thì người thầy thuốc sẽ ưu tiên điều trị nhắm vào các triệu chứng đó, nhưng nhìn chung, nguyên nhân gây ra triệu chứng thường được tìm hiểu đầu tiên. Đối với triệu chứng ở bệnh nhân, thầy thuốc sẽ tìm ra những nguyên nhân thường gặp và chẩn ra bệnh bằng phương pháp mở rộng hay tóm gọn và dự đoán ra các triệu chứng có thể sắp xuất hiện. Vì vậy, Đông y không chỉ tập trung điều trị các biểu hiện của bệnh đang bộc phát mà còn ngăn chặn cả những biểu hiện có thể sẽ xuất hiện sau đó.

Chóng mặt có thể là hậu quả của rối loạn hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể hoặc do một cơ quan nào đó bị tổn thương. Khó tiêu hóa có thể làm cho người bệnh hay cáu gắt, nhưng nếu cơ thể bệnh nhân đang dồi dào sinh lực thì chứng cáu gắt thường ít thấy. Do đó, nguyên nhân của triệu chứng chóng mặt thiên về một vấn đề rối loạn chức năng do nguồn năng lượng của cơ thể thấp. Vì đau bụng có thể do một cơ quan nào đó ở khoang bụng có vấn đề, nên các thầy thuốc sẽ cân nhắc đến một vài biện pháp xét nghiệm của Tây y. Tuy nhiên, đôi khi, căng thẳng cũng gây đau bụng, nên tổn thương một cơ quan nào đó ở vùng bụng không phải là một giả thiết duy nhất. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tìm ra một nguyên nhân phổ biến của các biểu hiện trên và kết luận là do suy nhược hay cơ thể thiếu năng lượng.

Dù nguyên nhân gì đi nữa, nhưng vì mức năng lượng của cơ thể đang suy giảm, nên bệnh nhân có thể sẽ than chóng mặt đi kèm với cáu gắt và có biểu hiện đau bụng. Vậy những triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều ngày tới? Có thể bệnh nhân sẽ thấy mắt hơi mờ đi, hoặc thở dài hay mệt mỏi ngồi, nằm và ngủ nhiều hơn. Nếu bệnh nhân là phụ nữ, lượng máu của kì kinh lúc này sẽ nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. Kết quả xét nghiệm sẽ liên quan tới năng lượng. 

Bệnh nhân sẽ được điều trị như thế nào? Điều đó còn phụ thuộc vào thời gian triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân, nhưng nếu triệu chứng chỉ mới xuất hiện khoảng 1 hay 2 ngày thì tốt nhất là giới thiệu bệnh nhân cách ăn uống có lợi cho sức khỏe hơn là tiến hành các phương pháp trị liệu. Vì bệnh nhân dường như gặp những biểu hiện giống như vậy khi chán ăn do mắc một vài vấn đề khác. Nếu ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bệnh nhân sẽ thấy tốt hơn và chứng hay cáu gắt, uể oải sẽ không còn. Sau đó, vấn đề còn lại chỉ là điều chỉnh lại chứng chán ăn. Nếu bệnh nhân vẫn xuất hiện những triệu chứng này, nguyên nhân có thể do mức năng lượng cơ thể thấp - kết quả của chứng mệt mỏi kéo dài. Trong trường hợp này, năng lượng nên được bổ sung bằng châm cứu hoặc các loại thảo mộc cho tới khi các triệu chứng đó không còn xuất hiện, và bước kế tiếp sẽ được áp dụng. Thay vì dùng các phương pháp nhắm vào những chi tiết nhỏ, Đông y thường kiểm tra tình trạng tổng quát về bệnh nhân rồi tiến hành từng bước để lấy lại sự cân bằng toàn diện. 

Là ngành y học năng lượng: đặc điểm nổi bật thứ hai của Đông y 

Trẻ nhỏ thường hay bị rối loạn tiêu hóa và biếng ăn nếu mức năng lượng cơ thể của bé thấp. Do đó, bé bị khó chịu, mẫn cảm, hay khóc và ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Những biểu hiện này làm sức đề kháng của cơ thể bé yếu đi, bé trở nên dễ mắc bệnh và dễ nhiễm bệnh trở lại hơn những đứa trẻ khác. Nếu bị cảm lạnh và uống thuốc, bé sẽ khỏe sau một tuần, nhưng sớm mắc bệnh trở lại. Vì dễ bị nhiễm lại bệnh nên phải uống kháng sinh và kháng sinh sẽ làm hệ tiêu hóa của bé yếu đi. Hệ tiêu hóa yếu giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng và hậu quả là mức năng lượng cơ thể thấp, dẫn đến một số bệnh khác. Trong những trường hợp này, nếu năng lượng được bổ sung theo phương pháp của Đông y, bé vừa có thể hồi phục sức khỏe vừa tránh nhiễm bệnh trở lại.

Với những đặc điểm trên, Đông y là phương pháp điều trị hữu hiệu các bệnh về thần kinh và trầm cảm mà không kéo theo một bệnh khác hoặc làm tổn thương một cơ quan nào đó, chống lại các bệnh về rối loạn chức năng mà không rõ nguyên nhân. Vì Đông y thường cân nhắc đến tình trạng tâm lý và thể lực tổng thể của bệnh nhân khi trị bệnh, nó thể hiện nhiều ưu điểm hơn hẳn Tây y - chỉ chú trọng vào biểu hiện bệnh.  

Tóm lại, Đông y không chỉ thể hiện tính ưu việt trong trị bệnh mà còn trong phòng bệnh vì nó chú trọng nhiều đến việc cân bằng cơ thể hơn là chỉ vào các triệu chứng bệnh. Vì thế, Đông y có thể được gọi là ngành y học cân bằng.

Thanh Bình
Theo BS. Jung Hyun Lee

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán