Trang chủ»Thể thao

Thể thao

Nguồn gốc của Paralympic Games

Ngày 28/07/1948, Thế vận hội đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai được khai mạc tại Luân Đôn. Cũng trong ngày đó, tại bệnh viện Stoke-Mandeville cách 35 dặm về phía Tây Bắc Luân Đôn, một hội thao vô cùng đặc biệt cũng được khai mạc.

Stoke-Mandeville Games được tổ chức trong khuôn viên của bệnh viện và đặc biệt dành cho các cựu thương binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hội thao ban đầu thu hút sự tham gia của 16 người gồm 14 nam và 2 nữ cạnh tranh ở một nội dung duy nhất là bắn cung.



Hình ảnh của Stoke-Mandeville Games - Ảnh: wecarrythetorch.wordpress.com

Hội thao là đứa con tinh thần của BS. Ludwig Guttmann, trưởng khoa chấn thương cột sống của bệnh viện Stoke-Mandeville. Guttmann nhận ra rằng việc nghỉ ngơi bất động tại giường và những bài thực hành chuẩn mực dành cho các trường hợp chấn thương cột sống sẽ làm tổn thương bệnh nhân nên ông đã thử nghiệm việc khuyến khích họ di chuyển nhẹ nhàng nhưng đều đặn. Vì vậy, ông bắt đầu chương trình tăng cường dành cho bệnh nhân thông qua các trò chơi nhẹ nhàng với quả bóng, sau đó là môn Polo trên xe lăn, bóng rổ, ném phi tiêu và bắn cung. Nhờ vào chương trình này, các bệnh nhân sống khỏe và yêu đời hơn; do đó ý tưởng tổ chức hội thao dành cho người khuyết tật nhận được nhiều sự khích lệ.

Sự lớn mạnh của hội thao

Hai năm sau, Stoke-Mandeville Games được mở rộng với 60 vận động viên khuyết tật tham gia tranh tài, đồng thời môn ném lao cũng được thêm vào danh sách các môn thi đấu. Đến năm 1954, nhiều vận động viên của 14 quốc gia đại diện tranh tài tại Stoke-Mandeville Games. 

Năm 1960, 400 vận động viên khuyết tật đến từ 23 quốc gia tập trung tại sân vận động Olympic ở Rome, chỉ vài ngày sau khi Thế vận hội kết thúc. Họ tham gia tranh tài ở các bộ môn bắn cung, bóng rổ, bơi lội, đấu kiếm, ném lao, bi da, bơi lội, bóng bàn và các môn phối hợp.



Trong hơn một thập kỷ, Paralympic chỉ bao gồm các môn thể thao mùa hè. Sau đó, vào năm 1976 tại Thụy Điển, các môn thể thao mùa đông dành cho người khuyết tật, bao gồm cả người khiếm thị được tổ chức. Trong lần tổ chức đầu tiên này, 198 vận động viên từ 16 quốc gia đã tham gia tranh tài.    

Paralympics hiện đại

Vào năm 1988, Thế vận hội Mùa hè dành cho người khuyết tật đầu tiên được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Lễ khai mạc thu hút 100.000 người tham dự trong đó có các vận động viên nhảy dù, hàng ngàn trẻ em và 700 vũ công xe lăn. Tại kỳ Thế vận hội này, hơn 950 kỷ lục thế giới đã được thiết lập, đặc biệt là vận động viên Trischa Zorn của Mỹ đoạt 12 huy chương vàng ở môn bơi lội và thiết lập 9 kỷ lục thế giới.

Thế vận hội Mùa đông đầu tiên được tổ chức năm 1992 tại Tignes và Albertsville, Pháp. Kể từ đó, Paralympic Games với các môn thể thao mùa đông và mùa hè sẽ diễn ra đúng hai tuần sau khi Thế vận hội Olympic kết thúc.

Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán