Thời trang

Câu chuyện thời trang của thương hiệu H&M

H&M là thương hiệu thời trang bán lẻ của Thụy Điển. Thương hiệu cung cấp hàng may mặc chất lượng cao và phụ kiện ở mọi lứa tuổi từ phụ nữ, nam giới, thanh thiếu niên và trẻ em.



Ảnh: www.hm.com

Phương châm mà thương hiệu H&M hướng đến là khách hàng có thể tin tưởng và cung cấp những sản phẩm thời trang tuyệt vời với giá cả hợp lý. Khách hàng có thể không có đủ khả năng để mua một sản phẩm thời trang cao cấp từ Chanel hay Prada, nhưng họ vẫn có một cái nhìn thật phong cách khi chi trả những sản phẩm thời trang ở một mức giá vừa phải từ H&M.

Ngoài các dòng sản phẩm chính, H&M còn trưng bày các mặt hàng như nội thất và mỹ phẩm để đa dạng hóa sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Tập trung vào việc cung cấp sản phẩm thời trang với giá cả phải chăng, phong cách thời trang nhanh đã cho phép họ có được một chỗ đứng trong làng thời trang quốc tế và là một đối thủ quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang.

Lịch sử thành lập



Ảnh: successstory.com

Thương hiệu được thành lập vào năm 1947 bởi Erling Persson với cửa hàng đầu tiên được mở cửa tại Västerås, Thụy Điển, chuyên bán các sản phẩm quần áo cho nữ. Tên gọi ban đầu của thương hiệu là “Hennes”.

Mãi cho đến năm 1968 khi Persson mua lại thương hiệu may mặc Mauritz Widforss, ông đã đổi tên công ty thành Hennes & Mauritz để nhấn mạnh thêm dòng sản phẩm của nam giới vào thương hiệu. Chẳng bao lâu sau khi sáp nhập, tên của thương hiệu rút ngắn và chính thức thay đổi thành H&M. Từ đó, danh tiếng của công ty dần dần bắt đầu mở rộng vượt ra ngoài biên giới của Thụy Điển.

Các cửa hàng H&M quốc tế đầu tiên xuất hiện tại các nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, tiếp sau đó là Anh và Thụy Sĩ.

Năm 1973, công ty bắt đầu kinh doanh các sản phẩm nội y. Thành viên của nhóm nhạc ABBA, Anni-Frid Lyngstad là ngôi sao đầu tiên quảng bá bộ sưu tập mỹ phẩm của thương hiệu. Năm 1980, H&M mở rộng thương hiệu trên toàn cầu.

Năm 1982, Erling Persson chính thức bàn giao công ty cho con trai của mình - Steffan Persson là Giám đốc điều hành của thương hiệu.

Với những thành công liên tiếp, H&M mở rộng các cửa hàng nhiều hơn trên lục địa châu Âu. Đến những năm 1990, thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng. Trong chiến dịch quảng cáo của mình, những siêu mẫu nổi tiếng như Linda Evangelista, Naomi Campbell và Christy Turlington xuất hiện trên trang bìa của vô số tạp chí thời trang trong chiến dịch quảng bá của H&M.

H&M cũng là thương hiệu tiên phong trong cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến khi có sự bùng nổ Internet vào năm 1998.

Mở rộng vị thế

H&M bước vào thiên niên kỷ mới bằng việc đánh dấu một mốc quan trọng là mở cửa hàng H&M đầu tiên bên ngoài lãnh thổ châu Âu. New York là thành phố không thuộc châu Âu đầu tiên có sự xuất hiện của cửa hàng H&M. Được đặt tại Fifth Avenue, cửa hàng cạnh tranh trực tiếp với nhiều nhãn hàng cao cấp đang thống trị khu mua sắm nổi tiếng, cũng như các thương hiệu thời trang phổ biến và cạnh tranh khác.

Tuy nhiên, công ty đã thực hiện một chiến lược kinh doanh khôn ngoan bằng cách không xem thương hiệu cao cấp như là đối thủ cạnh tranh mà là một đồng minh để cộng tác với. Từ đó, cả hai bên đều có lợi nhuận trong kinh doanh.



Nhà thiết kế Karl Lagerfeld (bên phải) - Ảnh: successstory.com

Chiến lược này đã được thực hiện thành công trong năm 2004 khi H&M bắt đầu hợp tác với nhà thiết kế người Đức lừng danh Karl Lagerfeld - nhà thiết kế của những thương hiệu đẳng cấp như Chanel, Fendi và nhãn hiệu thời trang của riêng ông. Mục tiêu của chiến lược này là giới thiệu các thiết kế được hợp tác từ bộ sưu tập giới hạn gồm những mặt hàng cao cấp nhưng được bán với giá của H&M. Vì thế, khách hàng có thể sở hữu sản phẩm từ nhà thiết kế yêu thích.

Chiến lược hợp tác định mệnh đầu tiên với Lagerfeld đã rất thành công, H&M đã tiếp tục mời các nhà thiết kế lớn khác để cộng tác như Donatella Versace, Roberto Cavalli, Stella McCartney, Alexander Wang, và Rei Kawakubo của Comme Des Garcons.

Năm 2007, H&M thâm nhập thị trường châu Á với một số cửa hàng đầu tiên tại Hồng Kông và Thượng Hải, trong khi đó họ cũng tiếp tục mở rộng phạm vi mua sắm trực tuyến với các thị trường quốc tế khác.

Năm 2009, thương hiệu ra mắt trang web H&M để giúp hỗ trợ việc bán hàng trực tuyến. Để giảm ảnh hưởng có hại của sản xuất hàng may mặc đối với môi trường, H&M đã chủ động tung ra một loạt các trang phục thân thiện với môi trường được làm từ các vật liệu có thể tái chế được đặt tên là H&M Conscious trong năm 2010.

Hoạt động môi trường

H&M tiếp tục chương trình giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất từ năm 2013. Khách hàng tặng hoặc cho quần áo đã được sử dụng đến bất kỳ cửa hàng H&M sẽ được tặng phiếu giảm giá. Quần áo sau đó được xử lý và tái chế để tạo ra sản phẩm may mặc mới nhằm đạt mục tiêu không lãng phí. Công ty cũng đã hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận như Canopy để đảm bảo các hoạt động sản xuất hàng may mặc không gây tổn hại cho thiên nhiên.



Siêu mẫu Sudan Alek Wek - Ảnh: successstory.com

Thương hiệu cũng cho ra mắt quỹ H&M Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện các thay đổi tích cực và nâng cao đời sống của nhiều quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới.

Hoạt động của tổ chức gồm 4 mục tiêu chính: cung cấp giáo dục cho trẻ em, nâng cao vị thế của phụ nữ và đấu tranh cho bình đẳng, giúp khu vực nghèo khó tiếp cận với nguồn nước sạch, giáo dục con người có ý thức bảo vệ môi trường.

Quỹ H&M Foundation được tài trợ bởi gia đình Persson và đã bổ nhiệm siêu mẫu Sudan Alek Wek là đại sứ đầu tiên cho H&M Foundation vào tháng Tư năm 2014 cho nhiệm kỳ ba năm.

Năm 2015, H&M Foundation cũng đã phát động cuộc thi The Global Change Award - cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng mang tính thay đổi lớn trong ngành thời trang, tạo ra quần áo mà không làm tổn hại đến thiên nhiên trong quá trình sản xuất. Những người chiến thắng sẽ chia sẻ giải thưởng trị giá 1 triệu euro, cũng như được hướng dẫn và hỗ trợ để giúp họ phát triển và hiện thực hóa ý tưởng.

Thanh Huyền
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán