Thời trang

Kebaya - trang phục truyền thống của Indonesia

Trên toàn thế giới, mỗi quốc gia đều có một kiểu trang phục truyền thống độc đáo và đa dạng mang đậm chất văn hóa và gắn liền với những giai đoạn dựng xây và phát triển của quốc gia đó. Quả thật vậy, Đông Nam Á là một trong những khu vực nổi tiếng trên thế giới không chỉ về nền kinh tế đang phát triển với một tốc độ thần tốc mà còn là cái nôi nuôi dưỡng nhiều mẫu trang phục truyền thống lâu đời làm mê hoặc biết bao người. Nét duyên chung của những kiểu trang phục ở khu vực này chú trọng vào hình thể thon thả, yêu kiều, thấm nhuần chất Á Đông và tôn lên nét nữ tính quý phái của người phụ nữ. Trong đó, không thể không nhắc đến kiểu trang phục truyền thống lâu đời, đầy quý phái Kebaya của đất nước Indonesia xinh đẹp với loài rồng Komodo trứ danh.



Cái tên Kebaya kỳ bí khởi nguồn từ ngôn ngữ Ả-rập, Kaba có nghĩa là "trang phục" và được du nhập vào đất nước Indonesia bằng ngôn ngữ Bồ Đào Nha, kể từ đó Kebaya bắt đầu xuất hiện để chỉ cho kiểu trang phục áo-váy. Lần đầu tiên Kebaya được một phụ nữ Indonesia mặc vào khoảng thế kỷ 15 hay 16. Vào thời gian này, Kebaya trên đảo Java, Indonesia được xem là một kiểu trang phục đầy tôn quý và chỉ dành cho gia đình hoàng gia, những nhà quý tộc (bangsawan) và một bộ phận nhỏ giới thượng lưu. Sau đó, Kebaya nhanh chóng trở thành phục trang không thể thiếu của người Indonesia và dần lan sang các khu vực lân cận như Malacca, Bali, Sumatra… thông qua giao thương và những hoạt động ngoại giao.

 

Trong suốt giai đoạn Indonesia bị Hà Lan đô hộ, Kebaya được làm hoàn toàn từ loại vải mori. Sau đó, người dân Indonesia bắt đầu sử dụng lụa và vải thêu để trang trí thêm cho màu sắc cũng như các kiểu hoa văn họa tiết hoa lá trên Kebaya. Xét tổng thể, những chi tiết của kiểu Kebaya ngày nay khá giống với trong quá khứ gồm một chiếc áo blouse ôm sát cơ thể nhằm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng và nét gợi cảm của người phụ nữ Á Đông, cổ áo trước mở rộng, tay áo dài, chất liệu vải thường lấy từ những chất liệu mỏng nhẹ như tơ lụa, vài cotton mỏng hay những chất liệu vải nylon hay polyester khá mỏng và trong suốt. Kèm theo đó là những motif hoa lá được in hoặc dệt trên vải. Kebaya truyền thống thường dùng một dải vải choàng bằng chất liệu batik gọi là "stagen" khoác lên áo blouse chéo vai. Áo blouse được buộc bằng trâm/ghim cài đầu (kerongsang) vì theo truyền thống Kebaya không có nút áo. Kerongsang truyền thống gồm 3 bộ phận kerongsang ibu (phần mẹ) khá lớn và nặng hơn so với hai phần kerongsang anak còn lại (phần con). Kerongsang thường được chế tạo bằng vàng và được xem là biểu tượng cho tầng lớp quý tộc, còn đối với tầng lớp thấp họ thường chỉ dùng một chiếc kim băng để buộc chặt áo blouse. Thông thường Kebaya được mặc với váy kain - một dải vải gồm nhiều nếp xếp li sống động quấn quanh phần cơ thể từ eo xuống dưới.

 

Kerongsang

Bất chấp những thăng trầm to lớn trong lịch sử cả về chính trị lẫn xã hội xảy ra tại Indonesia, Kebaya vẫn vững vàng không lay chuyển. Điều đó càng khẳng định tầm vóc của Kebaya hơn trong tiềm thức của người dân Indonesia khi kiểu thời trang này trở thành biểu tượng giải phóng phụ nữ ở Indonesia với mối liên kết chặt chẽ giữa Kebaya và nhà ủng hộ phong trào nam nữ bình quyền vào thế kỷ 19, Raden A. Kartini.

Vào khoảng năm 1920, những phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Indonesia nổ ra và phụ nữ Châu Âu đã từ bỏ trang phục Kebaya vì cho rằng trang phục này đã hòa mình vào truyền thống yêu nước của người dân Indonesia. Hơn thế nữa, trong buổi tuyên bố đất nước giành được độc lập vào năm 1945 chỉ có một phụ nữ duy nhất tham dự đó chính là Ibu Trimurti và điều đặc biệt bà đã chọn mặc bộ kain-kebaya truyền thống của đất nước. Chính hình ảnh này cùng với nhiều sự kiện xảy ra đã giúp Kebaya chuyển mình thành trang phục truyền thống độc tôn ở Indonesia.

 

Nữ tiếp viên hãng hàng không Garuda Indonesia

Ngày nay, Kebaya được cách tân theo nhiều phong cách mới đơn giản hơn. Trang phục của các nữ tiếp viên hãng hàng không Garuda Indonesia là một trong những ví dụ điển hình thể hiện một phong cách thời trang hiện đại. Kiểu Kebaya này được cải tiến từ phong cách Kebaya cổ điển của bà Kartini từng mặc, tuy nhiên kiểu phục trang này được tạo ra bằng chất liệu vải cotton-polyester chống cháy kèm với váy vải batik với những họa tiết theo motif đôi cánh của loài chim Garuda và những chấm bi nhỏ mang biểu tượng của hoa lài.

Nhiều phụ nữ đầy quyền lực ở Indonesia đều chọn Kebaya là trang phục cưới và được coi là "những kiệt tác nghệ thuật" với những chi tiết và những hoa văn được thêu may trên hai cánh tay. Các nhà thiết kế như Ami Amianto đã giúp thúc đẩy Kebaya trở thành không chỉ là một phần quan trọng trong lịch sử thời trang nước Indonesia mà còn là một trang phục tuyệt vời mà phụ nữ Indonesia luôn tự hào khi mặc trên người. Vì thế lần tới nếu bạn có tình cờ thấy một phụ nữ mặc Kebaya, hãy hiểu rằng cô ấy không những đang mặc trên người một bộ đồ truyền thống đơn thuần mà còn đang mang cả biểu tượng của lịch sử, văn hóa nước Indonesia và cả một phong cách thời trang đầy sang trọng.

Hoàng Dung
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán