Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Các nhà nghiên cứu vạch ra bản đồ cư trú toàn cầu đầu tiên để cứu lấy loài ong

Có hơn 20.000 loài ong đang sinh sống trên toàn thế giới, nhưng chúng đang chết dần đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thuốc trừ sâu và sự giảm sút của thảm thực vật.



Các nhà nghiên cứu đã thực hiện bước quan trọng đầu tiên trong việc bảo tồn ong bằng cách tạo ra bản đồ hiện đại đầu tiên về các loài ong đại diện trên toàn cầu - Ảnh: edition.cnn.com

Theo một bài nghiên cứu xuất bản hôm thứ Năm (ngày 19/11/2020) trong tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã thực hiện bước đi quan trọng đầu tiên trong việc bảo tồn loài ong: vạch ra bản đồ phân bố các loài ong trên toàn thế giới.

Phát hiện của nhóm đã tạo tiền đề quan trọng và thực tiễn cho những nghiên cứu về loài ong sau này, cũng như những loài động vật không xương sống khác chưa được nghiên cứu kỹ.

“Chúng tôi muốn tạo ra tấm bản đồ hiện đại thể hiện mật độ phân bố các loài ong vì chúng tôi muốn tìm ra nơi chúng sinh sống để có thể bảo tồn chúng,” Michael Orr, tác giả đầu tiên của bài nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Động vật học của Viện Khoa học Trung Quốc, chia sẻ với CNN qua email.



Bản đồ này hiển thị số lượng tương đối được mô hình hóa của các loài ong khác nhau trên khắp thế giới. Các khu vực tối hơn có nhiều loài hơn - Ảnh: edition.cnn.com

Để lập nên những tấm bản đồ, các nhà nghiên cứu phải tổng hợp dữ liệu từ hơn 5,8 triệu hồ sơ công khai về sự xuất hiện của loài ong với danh sách phân bố của hơn 20.000 loài có thể truy cập trực tuyến tại cổng thông tin đa dạng sinh học DiscoverLife.org.

Những phân tích của họ đã đưa ra cái nhìn rõ ràng hơn về số lượng và sự phân bố của nhiều loài ong ở những khu vực địa lý khác nhau. Nghiên cứu cho thấy mật độ đa dạng của các loài ong ở Bán cầu Bắc cao hơn ở Bán cầu Nam và thường tập trung ở những vùng sa mạc và ôn đới khô hơn những vùng nhiệt đới có rừng rậm ẩm thấp.

Phát hiện của họ ủng hộ các giả thuyết trước đây cho rằng số lượng chủng loại ong càng đa dạng khi càng xa hai cực Bắc Nam của Trái Đất lẫn xích đạo.

Theo Orr, giả thuyết này thường bị cho là sai do thiếu dữ liệu nhưng các nhà nghiên cứu giờ đây có thể tự tin nói rằng ong là một trong số ít nhóm côn trùng tuân theo mô hình phân bố này.

Rachael Winfree, giáo sư sinh thái học, tiến hóa và tài nguyên thiên nhiên tại Đại học Rutgers cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên, mặc dù việc thụ phấn của loài ong có tầm quan trọng lớn như vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa có nguồn thông tin toàn diện nào về nơi các loài ong khác nhau trên thế giới sinh sống.”

Theo Orr, ưu tiên tìm hiểu chính xác về sự phân bố của các loài ong tác động mạnh mẽ đến sự tồn vong của loài này, cũng như vấn đề an ninh lương thực và duy trì sinh kế nông thôn.

“Biến đổi khi hậu là mối đe dọa rất lớn đối với nhiều loài động vật. Nhưng đó cũng chẳng phải vấn đề đáng bàn nữa nếu chúng ta không bảo tồn môi trường sống đang bị tàn phá trước”, ông nói.

Theo CNN

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán