Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

ĐH, CĐ xét tuyển theo khối thi truyền thống

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ phải xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm trước để xét tuyển. Đồng thời, có thể tổ hợp thêm các môn thi khác.

Ngày 23/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại Hà Nội. Các Sở Giáo dục, ĐH, CĐ phía Bắc tham dự, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trực tiếp chủ trì.

Bên cạnh những thông tin liên quan về công tác tổ chức kỳ thi, Bộ Giáo dục đề nghị các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng có sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh phải xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Theo đó, các trường cần xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm trước để xét tuyển, tránh lộn xộn trong tuyển sinh, gây lo lắng cho thí sinh bởi các em đã học, ôn thi theo khối ngay từ khi bước vào lớp 10.



Năm 2015, các trường đại học vẫn xét tuyển theo khối thi truyền thống, đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh đang học phân ban, nhưng vẫn được tích hợp các môn thi khác. Ảnh: Quý Đoàn

Nhằm đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng ngành đào tạo, Bộ cho phép các trường có thể xác định các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển. Việc tổ hợp các môn mới như Toán, Lý, Anh - Văn, Sử, Ngoại ngữ... không chỉ có lợi cho các trường tuyển được những học sinh phù hợp mà còn gia tăng cơ hội vào đại học cho thí sinh.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục cũng quy định tổ hợp các môn phải theo nguyên tắc: các ngành năng khiếu phải sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Những ngành còn lại phải sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) Ngữ văn để xét tuyển bởi đây là hai môn cơ bản đánh giá trình độ hiểu biết và khả năng tư duy của học sinh.

Bộ Giáo dục cho phép các trường tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số 2 khi xét tuyển.

“Trên cơ sở các môn thi đã được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo, các trường gửi báo cáo về Bộ Giáo dục trước ngày 15/10 và công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 19/9, Bộ Giáo dục đã tổ chức tọa đàm về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại Thái Nguyên. Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh nhấn mạnh, những năm vừa qua, học sinh có 3 đợt thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng, nhưng từ 2015, ngày 12/6 đã thi xong, quỹ thời gian sớm hơn một tháng nên các trường đại học có dư thời gian để xét tuyển với nhiều đợt khác nhau.

Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết, mỗi cụm thi quốc gia sẽ có tối đa khoảng 50.000 thí sinh nên không gây áp lực cho địa phương. Bộ sẽ căn cứ vào nguồn lực của nhà trường, địa phương, vị trí thuận lợi, quãng đường di chuyển ngắn nhất của học sinh để phân bố điểm thi. Các trường vẫn sẽ xét tuyển thành nhiều đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh có nhiều nguyện vọng. Bộ đảm bảo các trường còn chỗ, các em có nguyện vọng thì sẽ được vào học.

Ngày 25/9, Hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ Giáo dục tổ chức tại ĐH Sư phạm Huế. Hội nghị tại TPHCM được tổ chức vào ngày 26/9 tại ĐH Tôn Đức Thắng.

Theo HOÀNG THÙY
(Vnexpress)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán