Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt xăng dầu

Đối với nhiều người dân Venezuela, dầu mỏ là thứ mà khi họ sinh ra đã có sẵn ở một quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới. Mặc dù siêu lạm phát tăng nhanh nhưng chính phủ Venezuela chưa bao giờ tăng giá xăng. Ngày nay, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, việc đổ xăng ở Venezuela về cơ bản vẫn không tốn một xu - vấn đề là bạn có đủ khả năng xếp hàng chờ đợi nhiều ngày hay không.



Một trạm xăng đóng cửa ở vùng ngoại ô Caracas, Venezuela - Ảnh. edition.cnn.com

Trong 2 tuần qua, người dân từ một số bang ở Venezuela đã bàn tán về tình trạng thiếu xăng trầm trọng. Đây không phải lần đầu tiên đất nước này đối diện với tình trạng thiếu xăng, tuy nhiên các cuộc khủng hoảng trước đó được cho là do hoạt động phân phối kém và không hiệu quả về mặt hậu cần. Lần này, khi người dân thấy mình phải xếp hàng nhiều ngày tại các trạm xăng, nhiều người bắt đầu lo sợ sẽ không có đủ xăng dầu cho tất cả mọi người.

Caracas vẫn nhận được nguồn cung dầu ổn định, điều mà các nhà phê bình của Tổng thống Nicolas Maduro mô tả như là một sự ưu ái có động cơ chính trị: Duy trì nguồn cung cấp xăng dầu tốt nhất cho thủ đô giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ, sau nhiều tháng bạo động bất ổn.

Nhưng ở thành phố phía Tây San Cristobal del Tachira, bà Lorena Amaya, 42 tuổi, cho hay bà đã ngủ 3 ngày trong xe của mình cùng với chị gái để xếp hàng chờ được đổ xăng. Hai chị em nhà Amaya đã đỗ chiếc xe của họ ngay trước chiếc còn lại, và đặt một chiếc thảm gần xe đầu tiên để nghỉ ngơi.

"Hôm nay là sinh nhật con trai tôi và hãy xem tôi đang ở đâu này", bà Korena nói. Bà chỉ rời khỏi hàng chờ một chút để đến thăm đứa con trai 10 tuổi của mình vào sáng hôm đó, trong khi chị gái bà giữ hộ chỗ.

"Tôi nhờ một người hàng xóm trông con hộ trong lúc tôi ở đây chờ đổ xăng, nhưng thằng bé đã tự về nhà", bà nói.

Em gái của bà Lorena, bà Ymara, 40 tuổi, cho rằng đây là lần đổ xăng "đắt tiền nhất mà chúng tôi từng có" bởi bà phải mất khoảng thời gian chờ đợi xếp hàng 3 ngày, không đi làm hay sinh hoạt thường nhật.

Chuyện này đã xảy ra như thế nào?

Năm 1989, các cuộc bạo loạn lớn đã xảy ra ở Caracas sau khi Chính phủ của Tổng thống lúc bấy giờ là ông Carlos Andres Perez tuyên bố chấm dứt chương trình trợ giá xăng - vốn giúp giá xăng luôn duy trì dưới mức giá thị trường. Kể từ đó, việc tăng giá xăng dầu đã trở thành điều cấm kỵ đối với giới chính trị gia ở Venezuela.

30 năm sau và 5 năm kể từ sau khủng hoảng kinh tế sâu rộng xảy ra dưới thời chính quyền Maduro, xăng dầu vẫn còn rẻ, nhưng sản lượng lại giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ những năm 1940. Vào tháng 4/2019, Venezuela chỉ sản xuất ra 830.000 thùng dầu/ngày, giảm từ 1,2 triệu thùng/ngày vào thời điểm đầu năm nay, theo dữ liệu mới từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.

Công ty dầu khí quốc gia PDVSA đang chật vật để duy trì hoạt động sản xuất. Hầu hết các máy móc của họ đã quá cũ kỹ, lỗi thời trong khi các cơ sở sản xuất không nhận được đủ nguồn đầu vào. Kể từ tháng 3, hàng loạt vụ cắt điện đột ngột xảy ra cũng chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn.

PDVSA không công khai số liệu sản xuất, vì vậy không thể biết chính xác lượng dầu mà quốc gia này thực sự sản xuất ra. Tuy nhiên, số lượng các chuyến hàng từ các quốc gia đồng minh quốc tế quan trọng như Nga đã tăng trong năm nay, điều này cho thấy công ty dầu khí đang bù lại khoảng trống cung ứng sản lượng đang suy giảm với nguồn cung từ nước ngoài.

Chính phủ của ông Maduro cho rằng cuộc khủng hoảng sản lượng dầu mỏ xảy ra là do hoạt động tham nhũng của các nhà quản lý trước đây cùng các lệnh trừng phạt ngày càng hà khắc của nước Mỹ. Kể từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt PDVSA vào tháng 1/2019, công ty này đã không thể tham gia vào thị trường dầu quốc tế, nơi họ mua các thành phần cần thiết để tinh chế dầu thô thành xăng.

Ông Alfredo Ruiz Angulo, thanh tra viên của Venezuela, nói rằng ông có ý định sẽ bác bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, coi đó là hành động vi phạm nhân quyền, và rằng "Tất cả những biện pháp cưỡng chế đơn phương do Mỹ áp đặt đang gây rắc rối thực sự cho sức khỏe của người dân Venezuela".

Tuy nhiên, đối với phe đối lập, việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu là bằng chứng cho thấy chính quyền Maduro không có khả năng vận hành đất nước một cách bền vững. Trên phương tiện truyền thông xã hội, chiến dịch #VenezuelaSinGasolina đã chống lại chính phủ vì không duy trì được ngành công nghiệp được đánh giá cao nhất của đất nước này. "Giải pháp để thoát khỏi mớ hỗn độn này là để Maduro đi", ông Miguel Pizarro, một nghị sĩ đứng đầu phe đối lập nói trong một thông cáo.

Thiếu nguồn cung xăng dầu cũng đang làm phức tạp thêm tình trạng bất ổn an ninh lương thực đang hiện hữu của Venezuela. Venezuela không có hệ thống đường sắt và hầu hết các thành phố lớn nhất đều nằm cách xa bờ biển; không có xăng dầu, nguồn cung cấp thực phẩm không thể chuyển được từ thành phố này sang thành phố khác. Vào ngày 20 tháng 5, Liên hiệp các hộ Chăn nuôi gia súc Venezuela đã kêu gọi Chính phủ cung cấp xăng cho họ, đề cập đến những khó khăn gặp phải trong việc vận chuyển gia súc trên phạm vi toàn quốc.

Theo CNN

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán