Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Thí điểm sách giáo khoa điện tử

Thay vì phải mang nhiều sách vở cồng kềnh đến trường mỗi ngày, học sinh (HS) chỉ còn sử dụng một cuốn sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) gọn nhẹ "đại diện" cho các môn học. Mọi hoạt động học tập lúc này đều tương tác trên các phần mềm được cài đặt sẵn, giàu tính trực quan, sinh động, nâng cao hiệu quả của việc học...

Vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo giới thiệu đề án “Thí điểm chương trình SGKĐT dành cho HS các lớp 1, 2, 3” do UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT tổ chức.

Cần đồng nhất về nội dung

Sách điện tử được phát triển trên máy tính bảng 8 inch, nặng khoảng 500g, tích hợp kiến thức chương trình phổ thông, các ứng dụng hỗ trợ việc học nhằm xây dựng khả năng tư duy, phản biện, giải quyết các vấn đề, giao tiếp và hợp tác của HS. Sách được đánh giá là gọn nhẹ, tinh giản khối lượng cồng kềnh của SGK giấy, khắc phục hạn chế thông tin cập nhật chậm, thiếu tính sinh động. Và thông qua hệ thống kết nối internet, nhà trường, phụ huynh đều kiểm soát được việc sử dụng SGKĐT của HS một cách hiệu quả nhất. Những tính năng nổi bật này đã được nhiều giáo viên, lãnh đạo ngành giáo dục đánh giá cao, ủng hộ bởi nội dung đáp ứng xu thế phát triển giáo dục của thời đại. Tuy nhiên đề cập đến triển khai thí điểm, không ít thắc mắc đưa ra.

Về nội dung chuyên môn, cô Trần Thị Thanh Thủy, Phó phòng Giáo dục quận 10 băn khoăn: “SGKĐT là công cụ hỗ trợ hay là phương tiện thay thế hoàn toàn. Đối với HS tiểu học, rèn chữ được rèn luyện rất kỹ trên từng ô ly nhưng xem xong, tôi thấy ô ly, dấu chưa rõ, nét chữ, nốt nhạc chưa chuẩn. Đối với phần bài tập sẽ hấp dẫn khi có sự tương tác giữa HS và giáo viên nhưng tương tác xong thì tài liệu lưu giữ không thấy”. Cô Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết: “Tôi thấy trong phần bài tập tự nhiên xã hội vừa sử dụng tiếng Việt, vừa sử dụng tiếng Anh. Liệu có thể đồng nhất tiếng Việt không vì các môn học này liên quan đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chưa kể một số câu trả lời không gõ dấu tiếng Việt”. Một số ý kiến khác cho rằng, kích thước chữ không đồng đều, một số bản đồ minh họa sử dụng bằng tiếng Anh. Đại diện Phòng Giáo dục quận Tân Bình phân vân: “Có nên thoát ly hoàn toàn phương pháp truyền thống không? Khi đưa vào liệu có còn duy trì được thói quen truyền thống là đọc sách giấy không khi mà chúng ta vẫn khuyên các em nên có thói quen này...”.

Ngoài các ý kiến về chuyên môn, nhiều ý kiến khác lo ngại liệu trẻ có giữ gìn, bảo quản tốt một tài sản có giá trị khi mà các em rất hiếu động. Đặc biệt vấn đề thị lực, sức khỏe có được đảm bảo không nếu như trẻ phải học thường xuyên bên phương tiện này.

Kinh phí là vấn đề then chốt

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, tổng kinh phí thực hiện thí điểm đề án tại 24 quận, huyện từ 3.900 đến 4.400 tỷ đồng. Song trước vấn đề này nhiều câu hỏi được đưa ra: Ai sẽ là người cấp kinh phí thực hiện? Gia đình, nhà trường hay ngân sách Nhà nước?

Cô Nguyễn Ngọc Hạnh bày tỏ: “… không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị một máy tính bảng cho con em. Riêng nhà trường thì không đủ tiền trang bị. Nếu trang bị một vài lớp thì sử dụng chung hay riêng. Nếu dùng chung thì không thể mang về nhà, lại ảnh hưởng đến sự giám sát giữa gia đình, nhà trường. Chưa kể, việc thực hiện không khéo còn gây ra mất công bằng, tạo sự thua thiệt cho các em...”. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT nêu kiến nghị: Nên chăng có sự đầu tư một lần cho các trường rồi cho HS đăng ký mượn sử dụng.

Tham dự tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đã chia sẻ: “Với ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng thực hiện thí điểm đề án tại 24 quận huyện trong vòng 1 năm là điều không dễ. Trên thực tế, để thí điểm hiệu quả đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự chọn lựa khu vực, khảo sát khả năng tài chính, nhu cầu của phụ huynh, nghiên cứu độ tuổi nào được tiếp cận là tốt nhất... Đặc biệt khi thí điểm cần có đối chứng, đánh giá kết quả. Vì thế phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng”.

Trước hàng loạt băn khoăn, thắc mắc của nhiều người, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: “Xuất phát từ mong muốn giảm gánh nặng mang sách vở đến trường của HS tại buổi giao lưu, gặp gỡ giữa thiếu nhi với lãnh đạo TP diễn ra đầu năm 2014, UBND TP quyết định giao Sở GD-ĐT nghiên cứu giải pháp nhằm giảm gánh nặng học tập cho HS, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu ra ở nghị quyết Trung Ương 8. Việc thực hiện thí điểm đề án này là một trong những giải pháp cho mục đích trên”. Ông Thuận cho biết thêm, việc tổ chức hội thảo là nhằm lắng nghe, lấy ý kiến đóng góp của các sở ngành, giáo viên để xây dựng, bổ sung cho đề án hoàn chỉnh. Mặt khác ông cũng chỉ đạo, sau hội thảo này Sở GD-ĐT cần tiến hành lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà chuyên môn, từ phía nhà trường, phụ huynh để xem xét, giải quyết những khó khăn vướng phải từ đó có cơ sở xây dựng đề án. Theo đó đề án phải nhận được sự đồng thuận từ xã hội, đáp ứng các tiêu chí công nghệ là công cụ truyền tải kiến thức, nội dung thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT cũng phải  đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo giáo viên thành thạo công nghệ...

Theo NGỌC TRINH
(Giáo dục online)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán