Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Giải bài toán thiếu gần 70.000 giáo viên

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, nếu tính theo đúng định mức từng cấp học thì ở cấp nào cũng xảy ra tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên.



Quảng Nam làm nhiều cách để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Trong ảnh: học sinh tiểu học ở Quảng Nam trong giờ học. Ảnh: Lê Trung

Theo đó, tổng số giáo viên thiếu hụt khoảng 70.000. Trong đó, bậc mầm non đứng đầu với trên 45.000 giáo viên. Bậc tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên nhưng lại thừa 6.700. Bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên nhưng cũng thừa gần 8.500. Bậc THPT thiếu trên 9.000 nhưng thừa hơn 1.000 giáo viên.

Trẻ không đến lớp, phòng học đóng cửa

Nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với việc thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ông Trương Công Nên - trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn - cho biết địa phương hiện thiếu 553 người so với chỉ tiêu biên chế do giáo viên nghỉ hưu, trước đây thi tuyển song không tuyển đủ. Riêng cấp tiểu học, phòng đăng ký biên chế là 187 nhưng có 78 người đăng ký. Nếu thi đậu hết thì cấp học này vẫn thiếu hơn 100 người.

Còn tại huyện Phước Sơn có bảy trường mầm non hiện thiếu 30 giáo viên. Hiện nay địa phương có rất nhiều trẻ không được ra lớp, nhiều phòng học phải đóng cửa vì thiếu giáo viên đứng lớp. Để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên, ngày 7-12 Hội đồng thi tuyển viên chức giáo viên tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi năm 2020 để tuyển dụng 1.783 giáo viên ở các bậc học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một giải pháp tình thế là hạ chuẩn đối với giáo viên hợp đồng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở miền núi.

Tại buổi làm việc với ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mới đây Sở GD&ĐT Quảng Nam đề nghị tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên theo nghị quyết 102 của Chính phủ để đảm bảo việc tổ chức giảng dạy và các hoạt động giáo dục của nhà trường, các trường mầm non, tiểu học. Đồng thời cần có sự linh hoạt trong vận dụng Luật giáo dục về quy định trình độ đào tạo giáo viên mới tuyển được người. Chẳng hạn như bậc mầm non ở các huyện miền núi thì chỉ cần trình độ trung cấp.

Theo Sở GD&ĐT Quảng Nam, khó khăn hiện nay là nguồn giáo viên hợp đồng quá thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Nguyên nhân do Luật giáo dục 2019 quy định về trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học thay đổi so với trước đây. Cụ thể là giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học.

Ông Trần Văn Tân đã thống nhất cho các địa phương tiếp tục thực hiện hợp đồng giáo viên theo nghị quyết 102 của Chính phủ. Ngoài ra, những địa phương miền núi khó khăn có thể hợp đồng giáo viên THCS, tiểu học có trình độ cao đẳng, giáo viên mầm non có trình độ trung cấp hoặc giáo viên nghỉ hưu để giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay.

"Giải pháp tình thế"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, cho rằng tỉnh thống nhất việc hợp đồng đối với giáo viên ở những địa phương miền núi như vậy là một giải pháp tình thế. "Bản thân những thầy cô giáo về hưu mà còn sức khỏe thì họ có thể hợp đồng dạy được. Tuy đây là giải pháp tình thế nhưng phải đảm bảo được chuẩn, điều kiện, năng lực của giáo viên đó, chứ không phải vì thiếu mà mình làm càn" - ông Quốc nói.

Ông Quốc cho rằng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm trong việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay bằng cách tổ chức thi tuyển. Sau khi đã giao cho các địa phương giải quyết việc hợp đồng đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS xong xuôi rồi thì biên chế còn lại tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức. Ông Hà Thanh Quốc cũng cho biết Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh khẩn trương làm kế hoạch. Sau khi có kết quả đợt thi tuyển viên chức, tỉnh sẽ tính toán lại con số giáo viên thiếu trên cơ sở chỉ tiêu biên chế năm 2021 giao để tiếp tục thi, bổ sung cho đủ giáo viên giảng dạy.

Theo LÊ TRUNG - VĨNH HÀ
(Tuổi trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán