Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Không để tình trạng “ra lò” ồ ạt nhiều thạc sĩ

Tới đây Bộ GD&ĐT cùng các trường sẽ xem xét nâng chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo lên cao hơn, không để tình trạng cho ra lò ồ ạt quá nhiều thạc sĩ mỗi năm. Dần đẩy mạnh chú trọng năng lực thực sự và tính ứng dụng cho người học.

Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT tại Hội thảo khoa học quốc gia về “quản lý chất lượng đào tạo sau đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức sáng nay 14/11.

Cần xóa bỏ giáo điều dập khuôn trong đào tạo thạc sĩ

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Tính, trường đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang theo hướng ứng dụng. Tuy nhiên, chưa thực sự bài bản, thống nhất và hiệu quả.

Mục đích của đào tạo thạc sĩ là nhằm cải thiện, bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề nghiệp lên một tầm cao mới, phục vụ trực tiếp cho bản thân người học thay vì những mảng lý thuyết không cần thiết. Nhưng hiện mới chỉ có một vài trường đại học thực hiện lấy vị trí công việc của học viên để làm căn cứ duyệt đề tài, đặt ra yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu.



PGS.TS Nguyễn Thị Tính, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Bà Tính cho rằng, các học viên cao học ở nhiều trường vẫn chưa chủ động trong lựa chọn đề tài nghiên cứu, phần nhiều là do khoa chuyên môn gợi ý. Chính điều đó đã dẫn đến một nghịch lý tính ứng dụng của đào tạo sau đại học khó gắn liền với nhu cầu sử dụng thực tiễn của người học.

Ví dụ, các chức danh hiệu trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa, giảng viên…được đào tạo cùng một nội dung chương trình như nhau chỉ có khác nhau về luận văn tốt nghiệp. Mâu thuẫn ở chỗ, năng lực người ta cần ngay trước mắt để nâng cao hiệu quả công việc lại không có, chỉ là những mảng kiến thức cao siêu ở đâu đó sau này mới có cơ hội dùng tới.



PGS.TS Nguyễn Quốc Trị, đại học Sư phạm Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Trị, trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, các trường buộc phải đưa chương trình đào tạo thạc sĩ đến gần hơn với thực tế và nhu cầu của người học, nếu không thì cho dừng đào tạo. Nên xóa bỏ những chương trình đào tạo nặng lý thuyết giáo điều, dập khuôn, dạy học 100 người như 1, không phát huy hết giá trị, tiềm năng của người học.

Ông Trị góp ý, các trường chủ động xem xét và thay đổi các nội dung môn học, hướng tới việc cho học viên tự đăng kí các học phần phù hợp với khả năng và mục đích sử dụng của bản thân. Muốn làm được việc đó, các trường cần tập trung giảm số học phần không cần thiết và tăng nội dung thực tiễn, thực hành cho học viên được lựa chọn, ông Trị nhấn mạnh.

“Chúng ta cần hướng tới đào tạo thạc sĩ chất lượng cao, tối ưu các phẩm chất và năng lực của người học. Khó có thể đạt được hiệu quả cao nếu việc đào tạo như một dây chuyền sản xuất hàng loạt hay theo một quy trình có sẵn.

Thiết nghĩ, các trường và trực tiếp là hiệu trưởng cần tạo ra độ mở tốt hơn, có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người hoạch định chính sách trong quá trình giảng dạy và hội đồng đánh giá luận văn thẳng thắn đánh giá tính ứng dụng và khả thi đề tài nghiên cứu của học viên thực hiện” - ông Trị đề xuất.

Nâng chuẩn đầu ra

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho rằng, đào tạo chuyên ngành đã khó, đào tạo quản lý giáo dục càng khó hơn, vì nó không có hình thức toàn vẹn hay quy định cụ thể. Liên quan đến quản lý con người nên cần sự linh hoạt và đặc biệt tinh tế, nhạy bén.

Khó là vậy nhưng hiện trạng là nhiều trường đang đào tạo về quản lý giáo dục cũng còn tủn mủn, các học phần chưa sâu, chưa giải quyết triệt để vấn đề học liệu. Từ đó, kéo theo việc dàn trải kiến thức, khiến người học mệt mỏi, không thỏa mãn với những nội dung được tiếp thu.



GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Giáo dục (ĐHQGHN).

Theo GS Lộc, làm một thạc sĩ về toán, hóa học, vật lý… dễ hơn thạc sĩ về quản lý giáo dục, vì đòi hỏi cao hơn, kiến thức lẫn thực tế không tồn tại hình thù cụ thể nên rất cần người học và người hướng dẫn nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc, thực sự tâm huyết, hiểu mới đủ sức để làm.

“Một người làm nghiên cứu giáo dục lại đi trích những triết lý, câu nói, luận điểm cách đây 10 năm, 20 năm là lỗi thời và không có sự tiến bộ. Do đó, nội dung các chương trình học phải đảm bảo tính thời sự, cập nhật thông tin mới nhất, tập trung giải quyết vấn đề đang đặt ra, như vậy mới gọi là tính ứng dụng.

Đồng thời, người học cần tích cực sáng tạo, thay đổi nhận thức và quan niệm bản thân, rèn phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Các học viên có thể đưa bài toán công việc của mình vào trong đề tài luận văn, cùng giải quyết được 3 trong 1: đề tài tốt, công việc tốt, tính ứng dụng cao” - GS Lộc nhấn mạnh.



Bà Nguyễn Thị Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến nội dung chương trình đào tạo, chỉ để ý quy chế, quy định đủ điều kiện được cấp phép. Thậm chí nhiều nơi đấu tranh vì lợi ích để được đào tạo trình độ thạc sĩ, chưa tập trung đến phát huy thế mạnh của người học.

Đáng nhẽ phải xây dựng chuẩn đầu ra trước, rồi mới đến xây dựng các học phần học liên quan trực tiếp đến quy định chuẩn. Nhưng trường đại học đang làm ngược lại đặt lợi ích của trường lên trên lợi ích của người học.

Bà Phụng cho hay, tới đây Bộ GD&ĐT cùng các trường sẽ xem xét nâng chuẩn đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo lên cao hơn, không để tình trạng cho ra lò ồ ạt quá nhiều thạc sĩ mỗi năm. Dần đẩy mạnh chú trọng năng lực thực sự và tính ứng dụng cho người học.

Hướng tới một chương trình thạc sỹ ứng dụng cao cho người học được tự chọn môn học, tự lựa chọn kết quả nghiên cứu và luận văn phải ứng với công trình cụ thể, có địa chỉ, kết quả thực thi tốt mới đạt được yêu cầu của hội đồng.



Toàn cảnh Hội thảo.

Tuy nhiên, theo bà Phụng, dù là thắt chặt ở bất cứ khâu nào thì người thầy và chính sách đánh giá chất lượng của trường mới là quan trọng nhất để tạo ra những thế hệ thạc sĩ đạt chuẩn thực tiễn và sử dụng kiến thức được đào tạo vào công việc hiện tại.

Theo HÀ CƯỜNG
(Dân trí)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán