Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Khuyến khích các trường lớn phát triển thành đại học

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường lớn phát triển thành đại học.



Trường ĐH Y Dược TPHCM đã có đề án phát triển thành ĐH hơn một năm qua. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường lớn, đạt đủ các tiêu chí và thực sự đủ năng lực quản trị, quản lý... phát triển thành đại học.

Trên thực tế từ nhiều năm nay, Trường ĐH Y Dược TPHCM vẫn tự gọi mình là ĐH Y Dược TPHCM. Tên gọi này có đúng với quy định hiện hành?

Thực tế, tên đang sử dụng: ĐH Y Dược TPHCM là không đúng với mô hình hoạt động. Luật Giáo dục ĐH (GDĐH) 2012 quy định: “ĐH là cơ sở GDĐH bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH”. Luật GDĐH mới được sửa đổi, bổ sung năm 2018 cũng quy định: “ĐH là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức gồm có các trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên và các đơn vị khác do ĐH quyết định; các đơn vị thành viên và các đơn vị khác của ĐH cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung”.

Mô hình của ĐH Y Dược TPHCM hiện nay không được tổ chức theo các quy định nêu trên. Như thế, kể cả theo quy định trước đây hay hiện nay thì tên đang sử dụng đều không đúng quy định.

Vậy đang thực hiện mô hình trường ĐH, muốn chuyển đổi thành mô hình ĐH, cơ sở đào tạo phải tuân theo những quy định gì, các tiêu chí cụ thể ra sao?

Hiện nay, nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện luật GDĐH sửa đổi đang đến công đoạn tiến hành những thủ tục cuối cùng để ban hành. Tuy chưa ban hành chính thức, nhưng nhìn chung từ trước đến nay, ĐH đều được quy định là cơ sở GDĐH thỏa mãn đồng thời các yêu cầu sau: có quy mô lớn; với cơ cấu tổ chức là một số trường ĐH thành viên và các đơn vị khác nhưng phải cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung; đào tạo và nghiên cứu nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có thế mạnh là các đơn vị thành viên của ĐH đều có tính tự chủ cao, sử dụng hiệu quả nguồn lực dùng chung để đào tạo, nghiên cứu liên ngành, giải quyết những nhiệm vụ lớn của vùng và quốc gia…

Việc chuyển đổi mô hình trường sang ĐH có tác động như thế nào đến quy mô, chất lượng GDĐH, thưa bà?

Từ những tiêu chí trên, việc chuyển đổi mô hình trường ĐH sang ĐH thường tác động đến quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Về quy mô đào tạo, ĐH thường lớn hơn trường ĐH. Các đơn vị trong trường ĐH khi chuyển thành ĐH phải có năng lực tự chủ cao hơn, năng lực quản trị, quản lý của cả trường và từng đơn vị phải tốt và hiệu quả hơn. Các đơn vị mới, ngành mới mở, nếu có, cũng phải đạt chuẩn chung của ĐH, trong đó có các ngành, trường có thế mạnh truyền thống.

Sau khi chuyển đổi, về mặt nguyên tắc thì chất lượng đào tạo của toàn ĐH phải được nâng cao trên cơ sở phát huy nguồn lực dùng chung của cả ĐH để đào tạo và nghiên cứu liên ngành. Kinh nghiệm và các mối quan hệ chuyên môn phải tốt hơn, đủ để thực hiện sứ mệnh của ĐH là giải quyết những nhiệm vụ lớn để phục vụ cộng đồng, vùng và đất nước…

Vì vậy, các trường lớn, đạt đủ tiêu chí và thực sự đủ năng lực quản trị, quản lý… được nhà nước khuyến khích phát triển thành ĐH để các cơ sở GDĐH của VN ngày càng lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mạng của mình đối với quốc gia và cạnh tranh trong khu vực, ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo ghi danh vào các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

QUÝ HIÊN
(Thanh niên)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán