Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Những thí sinh đặc biệt mùa thi THPT quốc gia 2018

Ban ngày làm bảo vệ, buổi tối chạy xe ôm, ông Lưu Đức Hạnh vẫn nuôi ước mơ tốt nghiệp THPT quốc gia để hoàn thành chương trình phổ thông.

Bảo vệ 51 tuổi ở Khánh Hòa đi thi THPT quốc gia

Tại điểm thi trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Lưu Đức Hạnh (51 tuổi) là thí sinh lớn tuổi nhất. Năm 1984, học xong lớp 10 ở quê Bình Định, ông nghỉ theo người thân đi làm ăn xa. Từ ấy, việc học đứt đoạn.



Ông Lưu Đức Hạnh sau giờ thi môn cuối kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Xuân Ngọc

Hơn 30 năm sống ở Nha Trang, ông mong hoàn thành chương trình THPT song do công việc bận rộn cùng với lo kế sinh nhai nên chưa thực hiện được. Mấy năm trước, ông theo học Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa mong muốn lấy được tấm bằng cấp ba. Còn độc thân, chưa vướng bận vào chuyện vợ con nên ông có nhiều thời gian học.

Ban ngày, ông Hạnh làm bảo vệ, hết ca lại chạy xe ôm kiếm tiền để tối đi học, đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu. Những hôm đầu đến lớp, thấy mình ngồi trên giảng đường với những bạn trẻ, ông hơi ngập ngừng. Tuy nhiên, học lâu dần cùng với sự động viên, hòa đồng với những bạn học cùng giáo viên tận tình giúp đỡ, ông đã tự tin hơn. "Lâu dần mình muốn đến trường lớp hơn, không còn thấy khoảng cách", ông chia sẻ.

Người đàn ông với làn da đen nhẻm cười hiền bảo, năm trước dự thi THPT với bốn môn, nhưng chỉ đủ điểm Sử còn Toán, Văn, Địa thiếu nên năm nay quyết dự thi lần nữa. Trước kỳ thi, ông nghỉ việc hơn tuần để ôn luyện.

Nói về kỳ thi năm nay, ông Hạnh tự tin với môn Địa còn Toán và Văn hơi khó, cần suy luận. "Mình già rồi, có nhiều phần học xong nhưng sau đó lại quên", người đàn ông tâm sự và cho biết, nếu năm nay không đủ điểm thì năm sau tiếp tục thi tới khi nào có bằng cấp ba.

Chị lao công ở bệnh viện muốn tốt nghiệp cấp ba để dạy con

41 tuổi nhưng thí sinh Phan Thị Kim Chi (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn quyết tâm theo học và đăng ký thi THPT quốc gia với mong muốn cập nhật kiến thức mới để dạy con và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Chị Chi hiện là lao công cho một bệnh viện tại ở Bình Thạnh.



Chị Phan Thị Kim Chi trong một giờ ôn thi THPT quốc gia tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Bình Thạnh. Ảnh: Mi Lăng

Chị kể hồi nhỏ, gia đình gặp khó khăn, bố mẹ mất sớm nên chị tạm dừng việc học khi lên lớp 7 để ra đời mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Tám năm trước, khi con cái đã lớn và cuộc sống tạm ổn định, chị mới nghĩ đến việc đi học trở lại để có tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Những ngày mới đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh, chị tự thấy bản thân yếu kém do lớn tuổi và bỏ sách vở lâu ngày. Tuy nhiên, nhờ gia đình ủng hộ, học viên lớn tuổi nhất lớp này đã theo học hết lớp 12.

"Hồi mới học vất vả lắm, tôi học rất yếu. Nhưng tôi cố gắng tập trung lúc học nhóm, hỏi thêm các bạn ở lớp những bài chưa hiểu rồi tự ôn tập thêm. Tôi chỉ có một, hai tiếng để học tối, vì phải nghỉ ngơi để sáng đi làm sớm", chị kể.

Công việc lao công ở bệnh viện vất vả, song chị vẫn đến lớp đều đặn, đến khi gần thi cũng duy trì như vậy. "Lớp 12 hiện nay khác xa ngày xưa, quá nhiều kiến thức nên tôi đành phải chọn cách học tới đâu hay tới đó để tránh làm ảnh hưởng đến công việc cũng như chăm sóc gia đình", thí sinh này chia sẻ.

Năm nay, chị Chi đăng thi bốn môn Toán, Văn, Sử, Địa để tốt nghiệp. Lúc vào phòng thi, chị rất áp lực nhưng sau đó quen dần cảm giác thi cử. "Tôi làm bài không tốt vì đã lớn tuổi rồi, đề khó", chị chia sẻ sau khi kết thúc kỳ thi.

Chàng trai nhỏ thó mơ ước làm kỹ sư công nghệ thông tin



Trần Ngọc Pháp tại phòng thi. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại điểm thi THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TPHCM), Trần Ngọc Pháp được nhiều người chú ý bởi dáng người nhỏ thó. Hàng ngày, bố đưa Pháp đi thi từ rất sớm. Cậu được các giám thị hướng dẫn, giúp đỡ tận tình trước mỗi giờ thi.

Pháp là học sinh THPT Diên Hồng (quận 10, TPHCM), năm nay đăng ký thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.

Cô gái Jarai địu con đi thi

Sáng 25/6, kết thúc phần thi môn Ngữ văn, hàng chục thí sinh về chùa Vĩnh Nghiêm, TP Pleiku (Gia Lai) ăn cơm trưa miễn phí và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho môn thi tiếp theo. Gương mặt xinh xắn, dáng người thon thả, H'Đanila nổi bật khi địu con nhỏ trên lưng. Nếu không có hành trang là những cuốn sách giáo khoa, ít ai biết rằng cô là thí sinh dự thi THPT quốc gia.



H'Đanila địu con sau khi thi xong môn Văn. Ảnh: Việt Hiến

Làng Plei Kia của H'Đanila nằm ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), cách trung tâm thành phố Pleiku gần 100 km. Nơi đó, người J'rai theo chế độ mẫu hệ. Họ quan niệm yêu nhau là cưới, nhiều bạn trẻ thành vợ chồng khi chưa qua tuổi học trò.

H'Đanila kể, năm lớp 11 đã yêu chàng trai trong làng rồi "bắt" chồng. Nhưng tình yêu không làm cô mụ mị với sách vở. Cuối năm ngoái, cô biết mình có thai nhưng vẫn học xong lớp 12 và hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Rời trường lớp trở về cuộc sống gia đình với người chồng và đứa con trong bụng, H'Đanila chưa bao giờ nguôi ý nguyện học lên cao. Bà Siu Mei, mẹ cô nói rằng bà và chị gái H'Đanila là giáo viên nên luôn động viên con. Năm nay, H'Đanila đăng ký thi Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. "Em muốn làm cô giáo", cô gái thổ lộ.

Vừa sinh con được ba tháng, thời gian ôn tập nước rút của bà mẹ trẻ luôn bị gián đoạn bởi bỉm sữa và tiếng con quấy khóc, nhưng H'Đanila vẫn giữ được nụ cười lạc quan. Sáng sớm, cô cùng mẹ địu con trai xuất phát từ Chư Pưh đến Pleiku trước giờ thi. Trước khi bước vào cổng trường, bà Siu Mei thay con gái địu cháu và chờ đợi. Thi xong, cậu bé được "trao trả" cho H'Đanila để cho bú.

Nữ sinh bị teo chân ở TPHCM ước mơ làm cô giáo

Chiều 24/6, ngày làm thủ tục dự thi THPT quốc gia, tại điểm thi THCS Colette (quận 3, TPHCM) có một nữ sinh đặc biệt khiến nhiều người chú ý. Phạm Thị Thu Thủy bị dị tật bẩm sinh, đôi chân co quắp lại từ đầu gối trở xuống khiến việc đi lại khó khăn song luôn nở nụ cười lạc quan.

Từ nhỏ Thủy đã ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và không biết cha mẹ là ai. Ở bậc tiểu học, em học cùng trường với học sinh bình thường rồi được chuyển vào Trung tâm Giáo dục khuyết tật Võ Thị Sáu theo bậc THCS đến nay.



Thu Thủy được bạn thân giúp đỡ đưa tới điểm thi THCS Colette. Ảnh: Mạnh Tùng

12 năm liền, Thủy đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm nay, em đại diện cho bạn bè đọc bài phát biểu của học sinh lớp 12 trước toàn trường. "Em học đều các môn, không học giỏi nhất môn gì mà cũng không dở nhất môn gì", Thủy nói, nét mặt hóm hỉnh.

Đi thi cùng hai người bạn thân bị khiếm thính, Thủy chuyện trò khá thuần thục với họ bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nữ sinh kể nhờ sống và học tập cùng các bạn khuyết tật nên em tự học được cách "nói chuyện", đồng thời rất thấu hiểu những thiếu thốn của người khuyết tật.

"Năm nay em đăng ký thi vào ngành giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm TP HCM để trở thành cô giáo dạy cho trẻ khiếm thính và câm điếc. Em muốn giúp các bạn nhiều hơn", Thủy chia sẻ, giọng quyết tâm.

Theo BAN THỜI SỰ
(Vnexpress)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán