Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Quảng Bình: Phát hiện dạng hang động mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng

Ngày 23/5, trong cuộc gặp gỡ PV Báo SGGP Online, chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, ông Howard Limbert cho biết, đoàn tìm kiếm hang động đã phát hiện dạng hang động mới đang tồn tại ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Dạng hang động mới là dạng hang động thẳng đứng, trong khi đó dạng hang động trước đây được phát hiện là ăn sâu vào núi đá vôi theo chiều ngang. Các nhà khoa học đã đặt tên và khảo sát 10 hang động thẳng đứng ở thung lũng Xưởng tại phía tây và đông sông Chày. Các hang động này ăn sâu hình mũi khoan xuống vỏ trái đất là lớp đá vôi dày hàng trăm mét.



Các nhà khoa học đang thám hiểm các hang thẳng đứng. Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp

Trong số này đã có 10 hang động thẳng đứng được đặt tên và thám hiểm độ sâu như hang Hạ Lau sâu 354m, hang Vực Tặng sâu 325m, hang Nobu Salt and Pepper sâu hơn 200m, hang Du sâu 256m, hang Lọng Coong sâu 97m, hang Nightmare sâu 149m, hang Vực Boom sâu 232m, hang Hai sâu 182m, hang Khe Cung sâu 95m, hang Vực Ký sâu 312m. Muốn khám phá các hang động này chỉ có các chuyên gia chuyên nghiệp của đội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbert dẫn đầu.

Trong 10 hang động dạng mới này, hang Vực Tặng hết sức đặc biệt, tại điểm sâu nhất có một lối dẫn xuống sâu hơn mực nước biển là một lòng hang rộng thoáng, dài đến 3.460m với nhiều thạch nhũ tráng lệ. Các chuyên gia khẳng định, dạng hang động mới này chỉ dùng cho nghiên cứu khoa học về hình thành vỏ trái đất, không phù hợp du lịch do nguy hiểm.

Chuyên gia Howard Limbert cũng khẳng định, ông cùng các cộng sự và một số nhà khoa học Mỹ đã phát hiện một hang động lớn nhất thế giới, phá vỡ kỷ lục của hang động Sơn Đoòng. Về chiều dài, hang động này chỉ dài 2km, nó không dài bằng Sơn Đoòng gần 9km, nhưng về chiều cao và chiều rộng, nó rộng hơn Sơn Đoòng khoảng từ 30 - 50m (Sơn Đoòng cao 200m, rộng 150m). Trong một mô hình dựng riêng để nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định đoạn hang này nối từ cửa sau của hang Én vào cửa trước của Sơn Đoòng từ hàng chục triệu năm trước. Howard Limbert nói: “Nhưng không may đoạn hang lớn nhất thế giới này đã bị đổ gãy. Chúng hình thành từ nước, và bị nước tiêu diệt”.

Các nhà khoa học của Anh và Mỹ khi nghiên cứu về Sơn Đoòng đã phát hiện trước cửa hang động này có đường gãy đổ một vệt hướng Bắc - Nam, họ thám sát địa hình và phát hiện vô số thạch nhũ khổng lồ bị rêu hóa ngoài tự nhiên. Những giả thiết ban đầu đưa họ về một nhận định Sơn Đoòng rất có thể kéo dài thêm 2km đến tận cửa sau của hang Én. Những mẫu đá, thạch nhũ dọc suốt chiều dài 2km này được lựa chọn đưa về Mỹ, và với kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia khẳng định đó là một đoạn hang cực kỳ khổng lồ. Nó tồn tại hàng chục triệu năm, các trận lũ lớn thường xuyên bào mòn đoạn hang này với tốc độ dòng chảy khủng khiếp khiến lớp canxi trong đá vôi hòa tan nhanh, bào mòn nhanh đã dẫn đến vách hang không trụ vững và hệ quả là chúng bị gãy đổ, kéo theo các trần hang đổ sụp xuống.

Howard Limbert nói: “Rất tiếc là kỳ quan lớn hơn Sơn Đoòng không còn tồn tại đến hôm nay”. Từ các số liệu, máy tính của các nhà khoa học Mỹ tính toán đoạn hang lớn hơn Sơn Đoòng bị gãy đổ cách đây từ 370.000 năm đến gần 2 triệu năm trước.

Từ đó các chuyên gia lo ngại, về dài hạn, các hang động rất có thể bị mưa lũ uy hiếp bào mòn. Cụ thể, cửa sau của hang Én, phía bên phải của tường hang, nước đào khoét rất sâu vào chân tường, và không ai biết được chúng có tồn tại mãi mãi hay không.



Cửa sau của hang Én

Theo Minh Phong
(SGGP)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán