Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Ráo riết chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia

Tới thời điểm này, Bộ GD&ĐT khẳng định việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã hoàn thành, sẵn sàng cho một mùa thi an toàn, nghiêm túc.



Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TPHCM) nhận giấy báo dự thi THPT - Ảnh: N.Hùng

Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27/6 (thí sinh làm thủ tục trong buổi chiều 24/6).

Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi với báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết tới thời điểm này 63 tỉnh, thành đều đã thành lập ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và có các cuộc họp liên ngành để thống nhất nhiệm vụ phối hợp giữa ngành GD&ĐT với các đơn vị liên quan như công an, điện lực, giao thông vận tải, y tế, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, các đoàn thể xã hội…

Hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia tổ chức thi

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục giao cho các sở GD&ĐT chủ trì, nhưng để phối hợp thực hiện sẽ có hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải bố trí cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt phải được tập huấn kỹ về quy chế thi.

"Các trường cử cán bộ, giảng viên tham gia phải xây dựng phương án cụ thể về việc di chuyển, nơi ăn ở, đảm bảo công tác an ninh trong thời gian diễn ra kỳ thi" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Công việc quan trọng số 1 được Bộ GD&ĐT lưu ý với ban chỉ đạo thi các địa phương là việc bảo mật đề thi ở các khâu in sao, vận chuyển đề thi để tránh tình trạng lộ hay lọt đề trước và trong thời gian diễn ra thi.

Phương án di chuyển, ăn ở cho thí sinh, các điều kiện để hỗ trợ đảm bảo sức khỏe, an toàn cho thí sinh trong thời gian thi… cũng đã được 63 tỉnh, thành báo cáo về bộ.

"Một số địa phương có thí sinh ở vùng khó khăn, thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, thí sinh khuyết tật... đã có phương án hỗ trợ về vật chất cũng như hỗ trợ về việc di chuyển, ăn ở để đảm bảo không có thí sinh vì gặp khó khăn mà không thể đi thi" - ông Nam Nhật Minh, Cục Đảm bảo chất lượng, Bộ GD&ĐT, chia sẻ.

Mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt

Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT quy định 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát do điểm trưởng chỉ đạo. "Họ có quyền giám sát việc làm của giám thị và các lực lượng khác, có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu không thực hiện đúng quy định.

Thanh tra sở GD&ĐT sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, từ điểm trưởng, giám thị đến giám sát và các đối tượng liên quan" - ông Bằng giải thích.

Theo ông Bằng, ở mỗi điểm thi sẽ có 2 thanh tra cắm chốt. Các thanh tra này do giám đốc sở GD&ĐT trưng tập (1 của địa phương, 1 của trường ĐH phối hợp). Như vậy cả nước có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi.

Bên cạnh thanh tra cắm chốt, sở GD&ĐT các tỉnh thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Đồng thời mỗi sở GD&ĐT thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ảnh về kỳ thi để kịp thời xử lý.

"Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho 63 sở GD&ĐT, thành lập các đoàn thanh tra của bộ ở cả 3 khâu: chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Riêng chấm thi, mỗi hội đồng chấm thi sẽ có hai cán bộ thanh tra được trưng tập từ các trường ĐH" - ông Bằng chia sẻ.

Trao đổi về kết quả kiểm tra chuẩn bị thi ở một số địa phương của thanh tra Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết một số địa phương vẫn còn bộc lộ sai sót như có các điểm thi sát nhà dân hay như khu vực in sao đề thi dùng nhiều năm;

Phương tiện ngăn cách không đảm bảo, thậm chí có nơi phát hiện cán bộ được bố trí làm việc tại điểm thi có con thi ở ngay điểm thi đó… Những việc này đã được nhắc nhở, yêu cầu các địa phương điều chỉnh.

Theo VĨNH HÀ
(Tuổi trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán