Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Sẽ bỏ biên chế ngành giáo dục

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động...



Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (trái) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc - ẢNH: CHINHPHU.VN

Chiều 20/5 tại Hà Nội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đã làm việc với Bộ GD&ĐT để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của ngành này.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quan điểm của Bộ là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà là nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý, tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền. Đối với các trường ĐH, theo Bộ trưởng Nhạ, việc quy hoạch không theo hướng hành chính, không quy hoạch theo tư nhân hay công lập mà theo ngành để làm sao hợp lý với yêu cầu của một ĐH hay cụm ĐH.

Tại buổi làm việc, ông Nhạ cũng đề cập một số vấn đề được dư luận quan tâm như tự chủ ở trường phổ thông, tự chủ tài chính, tuyển dụng giáo viên…

Về kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp, báo cáo của Bộ cho biết rà soát, hoàn thiện mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trên cơ sở chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực sự nghiệp. Sắp xếp lại đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không có vai trò thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không đạt mục tiêu đặt ra, chất lượng kém.

Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về tự chủ không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính. “Cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa thì vai trò của nhà nước vẫn phải rất lớn trong đầu tư, phát triển”, Phó thủ tướng khẳng định. Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công (đối với các trường ĐH nghiên cứu khoa học cơ bản khó có thể tự chủ tài chính), hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công tới các cơ sở giáo dục đối với các dịch vụ giáo dục mang lại giá trị gia tăng.

Theo TUỆ NGUYỄN
(Thanh niên)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán