Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Thưởng học trò bằng sách

Thay vì tập vở, quần áo, điện thoại... sao chúng ta không tặng học trò những cuốn sách hay như Trên đường băng, Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường...?



Cô Huỳnh Thanh Phương - giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, Củ Chi, TPHCM mở thư viện tại nhà để khuyến khích học sinh đọc sách. Ảnh: Duyên Phan

Làm thầy giáo ở thành phố gần 20 năm, tôi quan sát thấy học trò vẫn chưa nhiều em có thói quen đọc sách.

Có nhiều lý do dẫn đến việc này, trong đó phụ huynh rất ít người xây dựng tủ sách gia đình để khuyến khích việc đọc, nhà trường, giáo viên chỉ mới chú trọng dạy kiến thức trong sách giáo khoa để thi cử mà chưa làm tốt việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Tôi nghĩ rằng có nhiều cách để cho học sinh đọc sách nhiều hơn. Đơn cử như dịp tổng kết học kỳ, bế giảng năm học, các trường học trên cả nước tổ chức tuyên dương khen thưởng cho học sinh bằng sách thay vì phần thưởng cho học sinh là tập vở, dù rằng phần thưởng tập vở cũng là điều hợp lý.

Với các bậc phụ huynh thì phần thưởng cho con rất phong phú. Có em được cha mẹ thưởng cho một chuyến du lịch, có em được thưởng quần áo mới, có em được thưởng điện thoại smart-phone hay một món quà yêu thích bấy lâu.

Phần quà khen thưởng của nhà trường, phụ huynh đều hợp lý, song tôi vẫn có chút băn khoăn, nghĩ ngợi và có ý tưởng "đổi mới" cho vấn đề này. Thay vì tập vở, quần áo, điện thoại... chúng ta tặng các em những cuốn sách hay được bình chọn là đáng đọc như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Trên đường băng, Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường...

Tôi cho rằng việc tặng sách sẽ rất ý nghĩa và có tác dụng tích cực. Nếu phần thưởng cho học trò là sách thì không phải em nào cũng thay đổi số phận, nhưng chắc chắn một điều rằng sẽ có nhiều em trong số đó nhờ cuốn sách được tặng mà thay đổi cuộc đời.

Khi có nhiều cuốn sách hay được gửi trao là nhiều mầm hi vọng được gieo trồng. Khi khơi gợi được niềm đam mê đọc sách thì tâm hồn, nhân cách tốt đẹp sẽ được bồi đắp. Khi xã hội có nhiều người đọc sách thì đó là một xã hội có tương lai.

Quan điểm "Nâng dân trí, chấn dân khí" của cụ Phan Châu Trinh hơn 100 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đó phải được bắt đầu từ việc đọc sách.

Mỗi người cùng nhau thắp lên một que diêm về văn hóa đọc, điều đó có lẽ sẽ tốt hơn nhiều thay vì than phiền về việc người Việt ít đọc sách.

Theo PHẠM ĐƯỢC
(Tuổi trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán