Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

TPHCM 'gỡ khó' cho học sinh trong môn tiếng Việt lớp 1

Giáo viên chủ động sử dụng các tiết ôn tập, thực hành để hỗ trợ những học sinh lớp 1 gặp khó môn tiếng Việt, tham khảo nhiều bộ sách để làm phong phú bài học.

Yêu cầu này được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đưa ra ngày 10/11, hướng dẫn các trường thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở môn tiếng Việt, sau hơn 2 tháng triển khai.

Theo đó, giáo viên có thể linh hoạt xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình miễn phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Mỗi bài học có 4 hoạt động chính: Khởi động, Khám phá, Luyện tập và Vận dụng với nhiều phương tiện, thiết bị dạy học tiếng Việt. Giáo viên chú trọng dạy học tích hợp, phân loại học sinh theo khả năng tiếp thu để có cách dạy riêng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cần xác định chương trình giáo dục phổ thông 2018 là pháp lệnh, trong đó đọc mở rộng là một trong những yêu cầu mới của chương trình. Còn sách giáo khoa là một ngữ liệu để dạy học, có thể điều chỉnh khi cần thiết. Giáo viên có thể nghiên cứu sách giáo khoa tiếng Việt ở nhiều bộ khác nhau để làm phong phú dữ liệu cho bài học.



Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trong hai tháng 10 và 11, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu bàn về môn tiếng Việt lớp 1 sau khi nhiều giáo viên, phụ huynh và dư luận xã hội cho rằng nội dung sách giáo khoa mới nặng. Nhiều bài học, từ ngữ ở sách giáo khoa cũng được cho là không phù hợp, khó hiểu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, theo chương trình mới, sách giáo khoa là tài liệu cơ bản, chủ yếu cho việc dạy và học nhưng không còn là pháp lệnh. Các trường có thể trang bị tất cả các bộ sách trong thư viện để giáo viên tham khảo, có thêm nhiều nguồn tư liệu có sẵn để điều chỉnh kịp thời những dữ liệu chưa phù hợp.

Do đó, giáo viên được quyền chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bài học, hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên làm được điều đó. "Chương trình không có bài, không có tiết, không quy định phân phối chương trình. Giáo viên trên cơ sở khung chương trình dạy học và thời lượng của từng môn học để thiết kế bài phù hợp với tình hình thực tế", ông Hiếu nói.



Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM phối hợp biên soạn. Ảnh: Dương Tâm.

Theo báo cáo ban đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ các trường tiểu học tại TPHCM, giáo viên đã nắm bắt được chương trình, sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu bổ trợ hiệu quả. Nhiều thầy cô đã linh hoạt, sáng tạo trong dạy học, soạn bài giảng.

Theo MẠNH TÙNG
(Vnexpress)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán