Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM năm nay sẽ như thế nào?

“Giáo viên và học sinh lớp 9 phải thay đổi phương pháp dạy và học, không thể học tủ, học vẹt như trước. Nếu không, học sinh sẽ rất thiệt thòi trong việc tìm một chỗ học trong trường THPT công lập ở TPHCM”.



Thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh lớp 10 TPHCM năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TPHCM. Ảnh: Như Hùng

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TPHCM năm 2020. Ông Hiếu cho biết: "So với năm trước, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không thay đổi. Tuy nhiên, nội dung đề thi sẽ tăng cường những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để giải quyết tình huống thực tế".

Học đến đâu, thi đến đó

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, dù thời gian học của học sinh bị gián đoạn do dịch COVID-19, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc, khối lượng kiến thức trong đề thi.

"Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức các em đã học. Dĩ nhiên đây là kỳ thi tuyển sinh nên chắc chắn phải có những câu hỏi phân hóa nhằm chọn lựa thí sinh" - ông Hiếu nói.

Với môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn ngữ văn Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 sẽ có 3 phần: phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm) với thời gian làm bài 120 phút.

Trong đó phần đọc hiểu sẽ cho ra một hoặc một số văn bản có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận xã hội, văn bản nghị luận, văn bản khoa học...để thí sinh đọc. Tiếp theo đó là những câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; có thể yêu cầu nêu nội dung văn bản; yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới.

"Khi làm các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung; trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề; tránh lan man, dài dòng không cần thiết" - ông Thành khuyên.

Ở câu hỏi nghị luận xã hội, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn khoảng một trang giấy thi. "Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, các em cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình" - ông Thành hướng dẫn.

Riêng câu hỏi về nghị luận văn học được xem là câu phân loại trình độ thí sinh, thông thường đề thi sẽ cho học sinh có 2 lựa chọn. Đề 1 sẽ là cách hỏi quen thuộc, yêu cầu phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng như liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến... Đề 2 sẽ có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn, thường thì đề này sẽ dành cho những học sinh giỏi văn.

"Để làm tốt câu nghị luận văn học, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này, tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc" - ông Thành nói.

Môn toán: quan trọng nhất là... kỹ năng đọc - hiểu

"Đề thi môn toán bao gồm 8 bài, mỗi bài có nhiều câu hỏi, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó bài 1 và 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 bài tiếp theo là dạng toán thực tế; bài số 8 có nội dung về hình học và cũng là bài toán khó nhất trong đề thi, dùng để phân loại thí sinh" - ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán Sở GD&ĐT TPHCM, thông tin.

Ông Lộc cho biết: "Đề thi có 5/8 bài thuộc dạng toán thực tế mà đề bài toán thực tế thường rất dài, có rất nhiều thông tin khác nhau. Do đó, nhiều thí sinh không có kỹ năng đọc - hiểu thì thường cảm thấy "choáng", rối rắm sau khi đọc đề thi.

Nhiều em cho rằng đó là bài toán quá khó và bỏ luôn, không làm. Thật ra, bài toán thực tế không khó về thuật toán mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu đề bài, biết phân tích đề và "gạn lọc" những chi tiết cần thiết để sử dụng giải đề bài ấy. Đây là kỹ năng giải bài toán thực tế".

Theo một số giáo viên chấm thi môn toán tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM, ở đề toán thực tế, thí sinh hay bị trừ điểm do sai và nhầm lẫn về khái niệm gần đúng, các quy ước; sai do dùng dữ liệu không chính xác...

Các câu hỏi thuộc về hình học cũng làm khó nhiều thí sinh do đòi hỏi tư duy cao. Vì vậy, muốn giải quyết được trọn vẹn bài toán về hình học, thí sinh phải thuộc các định lý, tính chất, biết cách chứng minh và thuần thục kỹ năng vẽ hình, đổi đơn vị...

Theo HOÀNG HƯƠNG
(Tuổi trẻ)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán