Trang chủ»Văn hóa xã hội

Văn hóa xã hội

Chúng ta có nên ăn giống như người Nhật?

Nhật Bản là một trong những đất nước mà người dân có tuổi thọ cao nhất trên thế giới. Có phải một trong những lý do sống lâu là những gì họ hấp thu vào cơ thể?



Ảnh: Getty Images

Nhật Bản có số lượng người cao tuổi có tuổi thọ trên 100 nhiều nhất trên thế giới. Cứ 48 trong tổng số 100.000 người của đất nước này có độ tuổi chạm tới ngưỡng 100. Những con số này có thể khiến cho người dân ở những đất nước khác phải chú ý. Họ đã có những bí mật gì? Có phải bí mật đến từ những thứ mà họ hấp thụ?

Vào những năm 1990, chuyên gia dinh dưỡng Walter Willett, có nhắc tới dân số sống thọ một cách không bình thường của Nhật Bản trong một bài nghiên cứu, cùng với số lượng người chết vì bệnh tim cực kỳ thấp của đất nước này.

Kể từ đó, nhiều bài báo nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu sự trường thọ này có liên quan tới đồ ăn hay không. Và nếu vậy, chúng ta nên thêm loại thực phẩm làm tăng tuổi thọ nào vào chế độ ăn uống của mình?

Chế độ dinh dưỡng của Nhật Bản là một khái niệm khá rộng, theo nhà nghiên cứu dịch tễ học Shu Zang của Trung tâm Lão khoa Quốc gia Nhật Bản, và chỉ ra rằng nó không phải là bữa tiệc buffet mà bạn có thể ăn bất cứ món gì cũng được. Một đánh giá về 39 bài báo khoa học gần đây đã chỉ ra rằng có sự liên quan chặt chẽ giữa chế độ dinh dưỡng của người Nhật và sức khỏe. Họ đã tìm thấy một vài sự tương đồng giữa những bài nghiên cứu, bao gồm: đồ biển, rau củ, đậu nành, nước tương, cơm và súp miso.

Nói tóm lại, việc tiêu thụ những loại dinh dưỡng này tỷ lệ nghịch với số người chết vì bệnh tim, Zhang nói, mặc dù ông không rõ về những căn bệnh khác như ung thư. Điều thú vị là nó cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong thấp hơn.



Rong biển là thực phẩm chính trong chế độ ăn của người Nhật - Ảnh: Getty Images

Ông Tsuyoshi Tsuduki, phó giáo sư về thực phẩm và khoa học sinh học phân tử tại Đại học Tohoku, đã nghiên cứu chế độ dinh dưỡng nào của Nhật Bản có thể đóng góp cho việc kéo dài tuổi thọ. Ban đầu, ông và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu khảo sát quốc gia để tạo ra những bữa ăn đại diện cho chế độ dinh dưỡng của người Nhật trong những năm 1990 và những bữa ăn tương tự của chế độ dinh dưỡng của người Mỹ trong cùng thời gian. Những bữa ăn được làm khô và cho những chú chuột trong phòng thí nghiệm ăn, trong khi các nhà nghiên cứu quan sát sức khỏe của chúng một cách cẩn thận.

Thú vị thay, những chú chuột ăn theo chế độ dinh dưỡng của người Nhật có ít mỡ bụng và mỡ trong máu hơn, mặc dù trên thực tế cả hai chế độ dinh dưỡng đều có cùng lượng chất béo, protein và carbohydrate. Điều đó có nghĩa là những nguồn dinh dưỡng này, ví dụ như thịt - cá, gạo - lúa mì, là nguyên nhân của kết quả này. Kết quả là, không phải chế độ dinh dưỡng nào của Nhật Bản đều như nhau.

Đi sâu hơn vào vấn đề, các nhà nghiên cứu phác họa ra những phiên bản của chế độ dinh dưỡng của người Nhật 50 năm về trước, khi những gì người Nhật ăn đã thay đổi rõ rệt qua các thời kỳ (đặc biệt là vùng thành thị lớn, chế độ dinh dưỡng của những vùng này phát triển dưới ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực phương Tây). Họ đã lập kế hoạch bữa ăn dựa trên chế độ ăn quốc gia vào những năm 1960, 1975, 1990, và 2005, và đem cho những con chuột ăn. Lần này, cuộc thí nghiệm kéo dài 8 tháng.

Kết quả là không phải chế độ dinh dưỡng nào của Nhật Bản là như nhau. Con chuột ăn chế độ dinh dưỡng của năm 1975 ít có nguy cơ bị tiểu đường và bệnh mỡ trong gan hơn những con khác, và khi các nhà khoa học kiểm tra gan của chúng, họ nhận thấy rằng gen ngăn chặn việc hình thành các axit béo được kích hoạt. Chế độ dinh dưỡng giàu rong biển và hải sản, đậu, hoa quả và các thực phẩm lên men, và nói chung sự đa dạng các loại thực phẩm đã giúp cơ thể có gen ngăn chặn việc hình thành các axit béo, trong khi đó nó giúp làm sạch lượng đường dư thừa.

Trong những cuộc thí nghiệm, họ nhận ra chế độ dinh dưỡng năm 1975 đã giúp cho những chú chuột sống thọ hơn với trí nhớ tốt hơn và sự suy yếu thể chất diễn ra chậm hơn khi chúng già đi.



Ở Nhật Bản, các món ăn thường được chế biến với một lượng nhỏ các nguyên liệu phụ gia - Ảnh: Getty Images

Nhóm Tsuduki và các cộng sự nhận thấy chế độ dinh dưỡng cũng có tác động tích cực lên con người. Một cuộc thí nghiệm kéo dài 28 ngày dành cho người bị thừa cân. Các nhà khoa học đã cho họ ăn theo chế độ dinh dưỡng Nhật Bản năm 1975 và chế độ ăn hiện đại. Kết quả là nhóm người theo chế độ ăn năm 1975 giảm trọng lượng và có lượng cholesterol tốt hơn. Theo cách khác, những người ăn theo chế độ dinh dưỡng năm 1975 có thân hình cân đối hơn những người khác khi cuộc thí nghiệm kết thúc. Tsuduki và cộng sự tin rằng hệ vi sinh của con người có thể là một trong những thứ gián tiếp tạo ra những hiệu ứng này, sau khi quan sát sự thay đổi hệ vi sinh trong quá trình diễn ra nghiên cứu của họ.

Lợi ích của chế độ dinh dưỡng của Nhật Bản không chỉ nằm ở rong biển hay nước tương mà còn nằm ở việc ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm.

Vậy bí mật là gì? Tsuduki chỉ ra rằng nếu chế độ dinh dưỡng của Nhật Bản mang lại kết quả tích cực, nó có thể thể hiện cách các bữa ăn nên được chuẩn bị cũng như các dinh dưỡng cần thiết. Các bữa ăn được tạo ra với khẩu phần nhỏ, cung cấp những khẩu vị đa dạng. Các thành phần thường được hấp hay hầm thay vì đem đi chiên. Ngoài ra, những món có khẩu phần nhỏ với đủ loại thành phần vẫn tốt hơn là thừa muối và đường.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng của Nhật Bản có thể mang lại những lợi ích không vì chất lượng của rong biển hay sốt đậu, mà vì sự đa dạng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong quá trình chế biến, đặc biệt là rau củ và các loại đậu.

Vân Anh
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán