Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Kỷ nguyên của nhạc Jazz

Nhạc Jazz là một loại nhạc dân gian của người Mỹ gốc Phi, được phát triển vào những thập niên đầu của thế kỷ 20. Nhạc Jazz ngày nay được trình diễn trên khắp thế giới và có ảnh hưởng rất lớn đến những dòng nhạc khác.

Nét đặc trưng của nhạc Jazz chính là âm thanh và nhịp điệu của nó. Jazz là một loại nhạc ngẫu hứng chuyển tải một cảm xúc mạnh mẽ đến người nghe. Những nhạc cụ điển hình của dòng nhạc Jazz là kèn trôm-pét, kèn trôm-pon, kèn xắc-xô và kèn cla-ri-nét.

Khởi đầu của nhạc Jazz

Nhạc Jazz được chơi lần đầu tiên vào thế kỷ 20. Các nghệ sỹ nhạc Jazz lấy cảm hứng từ dòng nhạc Ragtime và Blues, hai dòng nhạc này cũng được phát triển vào đầu thế kỷ 20.

Ragtime là một thể loại nhạc xuất phát từ St. Louis. Dòng nhạc này chủ yếu được chơi trên đàn pi-a-nô và nhanh chóng trở nên phổ biến với các dàn nhạc giao hưởng. Nhạc Blues ban đầu là một bài hát buồn được hát một cách chậm rãi và được đệm bằng đàn pi-a-nô hoặc đàn ghi-ta. Một số người nói rằng nhạc Blues là những bài hát mà những người nô lệ hay hát.

New Orleans Jazz

New Orleans chính là nơi sản sinh ra dòng nhạc Jazz. Đầu những năm 1900, mọi người từ nhiều nền văn hóa khác nhau như Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ gốc Phi sống trong cùng thành phố New Orleans và nhạc Jazz là sự pha trộn của các bài hát nhạc Blues với giai điệu của người Ca-ri-bê và cảm xúc từ những bài nhạc dân gian của người da đen.

Một ban nhạc Jazz điển hình bao gồm một hay hai người chơi kèn cooc-nê, một người chơi kèn cla-ri-nét và một người chơi kèn trôm-pon. Đôi khi có thêm đàn pi-a-nô, đàn băng-giô và trống để đệm cùng những cây kèn co.

New Orleans Jazz sau này được biết đến như là Dixieland (nhạc Jazz có xuất xứ ở New Orleans). Thời gian qua đi, nhạc Jazz được du nhập đến Chicago và sau đó là New York.

Những ban nhạc Jazz bắt đầu được tổ chức có quy mô hơn với nhiều loại nhạc cụ hơn. Thông thường, trong một ban nhạc Jazz với quy mô lớn sẽ có 3 bộ phận nhạc cụ: bộ phận kèn đồng gồm kèn trôm-pét và trôm-pone, bộ phận nhạc khí có lưỡi gà gồm kèn xắc-xô và cla-ri-net và những nhạc cụ dùng để đệm giai điệu gồm pi-a-nô, ghi-ta, đàn công-trơ-bát và trống.

Những chỉ huy ban nhạc nổi tiếng là Fletcher Henderson và Benny Goodman. Các ban nhạc lớn bắt đầu chơi mượt mà hơn với những giai điệu nhẹ nhàng hơn. Hầu hết các ban nhạc đều có các nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng như Louis Armstrong, nghệ sĩ nổi tiếng nhất vào thời điểm đó.

Nhạc Swing

Những năm 1930 và những năm 1940 được gọi là kỷ nguyên nhạc Swing. Sự xuất hiện của đài phát thanh đã làm nhạc Jazz trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ. Một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất của Mỹ được chỉ huy bởi Benny Goodman, Tommy Dorsey và Glenn Miller, ông có lẽ là người thành công nhất.



Ban nhạc của Glenn Miller - Ảnh: www.english-online.at

Có lẽ ban nhạc lớn nhất của mọi thời đại là của nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc Duke Ellington. Ông đã viết hơn 1.000 tác phẩm. Các bài hát nổi tiếng nhất của ông là “Sophisticated Lady” và “Mood Indigo”.

Nhạc Bebop

Một dòng nhạc Jazz khác là Bebop, dòng nhạc này kéo dài cho đến khoảng năm 1960. Dòng nhạc này được chơi trong những nhóm nhạc nhỏ hơn.

Các nghệ sỹ Bebop không sáng tác được nhiều giai điệu như các nghệ Jazz trước đó. Trung tâm của nhạc Bebop là Kansas nơi mà nhạc sỹ Bebop vĩ đại Charlie Parker được sinh ra và lớn lên.

Cùng với thời điểm nhạc Bebop xuất hiện, nhạc Hard bop cũng nổi lên nhanh chóng. Hardbop là một dòng nhạc mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Đàn organ điện đã trở thành một nhạc cụ phổ biến và Miles Davis là một trong những Bebopper nổi tiếng nhất của thời đại đó.

Trong những năm 1960, các nghệ sĩ bắt đầu tìm kiếm những cách mới để sáng tác nhạc Jazz. John Coltrane và Ornette Coleman đã trở thành những người biểu diễn vĩ đại nhất của dòng nhạc Jazz tự do.

Nhạc Jazz ngày nay được chơi phổ biến trên toàn thế giới trong các phòng hòa nhạc cũng như trong các câu lạc bộ. Nhiều lễ hội nhạc Jazz nổi tiếng của thế giới diễn ra ở châu Âu và Nhật Bản.

Trần Đình Phú
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán