Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật

Văn học - Nghệ thuật

Sumi-e: Những điều cần biết về nghệ thuật thư họa Nhật Bản

Thư họa Nhật Bản, hay sumi-e, là trường phái thư họa đại diện cho nền mỹ thuật Nhật Bản. Sumi-e chỉ sử dụng một loại mực đen đơn giản trên nền giấy vẽ màu trắng được chọn lọc kỹ càng, dù vậy, sumi-e có thể ghi lại vẻ đẹp vượt thời gian cũng như sự phức tạp của thiên nhiên.



Ảnh: japanobjects.com

Shozo Sato, bậc thầy nổi tiếng về nghệ thuật thiền, người vinh dự được trao Huân chương Thụy Bảo và là tác giả của cuốn “Sumi-e: The Art of Japanese Ink Painting”. Quyển sách là tập hợp những bài hướng dẫn thực tế và minh họa đẹp mắt của chính tác giả về sumi-e nhằm “cầm tay chỉ việc cho mỗi học viên theo học sumi-e”.

Trong bài viết này, thầy Sato sẽ chia sẻ một số kiến thức chuyên môn cũng như lời khuyên, mẹo và kỹ thuật hữu ích nhằm giúp bạn có một khởi đầu suôn sẻ trong hành trình khám phá sumi-e.

1. Sumi-e là gì?



Ảnh: japanobjects.com

Sumi-e thường được mô tả là nghệ thuật vẽ đơn sắc, do chỉ sử dụng mực vẽ sumi và giấy thủ công: Sumi-e trong tiếng Nhật có nghĩa là vẽ mực đen (sumi = mực đen, e 絵 = vẽ).

2. Sumi-e khởi nguồn từ đâu?



Ảnh: japanobjects.com

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử Trung Quốc, công việc của các học giả thường là biên dịch tài liệu và sáng tác văn học. Trong quá trình đó, những học giả này dần làm quen và thành thạo trong việc sử dụng bút vẽ và mực trên giấy. Đến thời Nam Tống, một số học giả bắt đầu thêm thắt các bức vẽ đơn giản vào trang thơ của mình. Cách sử dụng bút vẽ đơn giản nhưng đôi khi cũng rất phá cách, nổi bật của những học giả này đã nắm bắt được cái tổng thể cũng như truyền tải một loạt các sắc thái, từ năng động đến thanh lịch và yên tĩnh của những đối tượng được chọn làm đề tài cho tác phẩm.

Những thiền sư Trung Quốc chính là những người mang phong cách nghệ thuật này đến Nhật Bản vào thế kỷ XIV. Theo thời gian, số lượng cũng như cách thức các nét vẽ được đơn giản hóa và thường được kết hợp với thơ để tạo ra phong cách thư họa sumi-e mà chúng ta biết đến ngày nay. Trọng tâm của sumi-e kể từ khi được khai sinh luôn luôn hướng đến chất lượng trong mỗi nét vẽ cũng như nắm bắt được cái tổng thể.

3. Vẽ tranh Sumi-e cần những gì?



Ảnh: japanobjects.com

Người học sumi-e cần học cách phân biệt các loại bút vẽ, vật liệu cũng như cách thức chế tác của mỗi loại bút. Nếu mua loại bút rẻ tiền, sản xuất hàng loạt, chắc chắn bạn sẽ không hài lòng vì thường những loại bút được sản xuất theo kiểu này sẽ không cho những nét vẽ như mong đợi. Kết quả là bạn sẽ thất vọng và cuối cùng thì bỏ cuộc. Chính vì thế, người mới học sumi-e nên đầu tư cho mình một cây bút lông sumi-e chất lượng và đắt tiền.

- Cách bảo quản bút vẽ Sumi-e?

Sau khi vẽ, bạn cần cẩn thận rửa sạch mực trên lông bút. Tuyệt đối không dùng nước nóng hoặc ấm do bút lông Sumi-e thường được dán bằng keo làm từ mỡ động vật, giống gelatin nên rất dễ tan trong nước. Nếu bạn ngâm bút vẽ sumi-e trong nước quá lâu, lông của bút sẽ bị rã ra.

Chóp lông cũng cần được bảo quản đặc biệt, nếu không mực sẽ đóng khô xung quanh chóp lông khiến cho nét vẽ của bút bị tòe. Để làm sạch mực trên bút, ấn, vắt và xoắn nhẹ chóp lông vài lần, sau đó thấm nước bằng khăn giấy.

- Vẽ tranh Sumi-e nên dùng loại giấy nào?

Giấy của Nhật Bản chủ yếu được sản xuất từ kozo (một loại dâu tằm) và gampi. Gampi được cho là có thể chống côn trùng. Nó cũng là vật liệu bền nhất theo thời gian. Chính vì vậy, Gampi là một trong những loại giấy dùng trong thư họa phổ biến nhất. Mực vẽ trên loại giấy này thường ít bị nhòe do chất liệu giấy trắng và mịn. Vì thế, Gampi được coi là loại giấy chuyên dụng cho thư họa tốt nhất.

Độ mỏng của giấy cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tác phẩm sumi-e. Ví dụ, nếu tranh vẽ theo phong cách truyền thống - kiểu tranh cuộn treo tường, tranh thường sẽ được cuộn chặt để bảo quản, vì thế, khi vẽ nên dùng loại giấy mỏng.

- Cách chọn mực vẽ Sumi-e?

Có một câu cách ngôn nói rằng tranh sumi-e “đen mà không đen”, ám chỉ việc mực đen trong mỗi bức tranh luôn gợi lên cho người thưởng tranh cảm giác đa chiều, đa sắc. Một nghệ sĩ sumi-e chính hiệu luôn luôn tìm tòi, khám phá và thử nghiệm nhiều cách thức nhằm tạo hiệu ứng đa sắc này.

Lượng carbon có trong mực sumi đến từ ba nguồn. Dầu hạt cải, khi bị đốt cháy, tạo ra muội than có chất lượng tốt đến mức mực có màu đen sẫm. Nhựa thông, khi bị đốt cháy, tạo ra muội than có màu trong suốt. Tông màu của mực loại này khi được pha loãng chuyển từ màu đen nhạt sang xám xanh. Dầu công nghiệp cũng được sử dụng để sản xuất tranh sumi-e rẻ tiền có tông màu nâu.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán