Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Hệ thống giáo dục Nhật Bản

Hệ thống trường học ở Nhật Bản bao gồm trường tiểu học (6 năm), trung học cơ sở (3 năm), trung học phổ thông (3 năm) và đại học (4 năm). Giáo dục bắt buộc chỉ kéo dài 9 năm gồm hai cấp là tiểu học và trung học cơ sở, nhưng 98% học sinh tiếp tục học lên trung học phổ thông. Học sinh thường phải tham gia các kỳ thi để vào trung học phổ thông và đại học. Gần đây, một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã kết hợp với nhau để tạo thành các trường hợp nhất với chương trình đào tạo kéo dài 6 năm.



Ảnh: web-japan.org

Trẻ được học gì tại trường?



Ảnh: web-japan.org

Trẻ em Nhật Bản nhập học lớp 1 bậc tiểu học vào tháng Tư hàng năm sau sinh nhật lần thứ sáu của mình. Mỗi lớp học có sĩ số từ 30 đến 40 em học sinh. Các môn học bao gồm tiếng Nhật, toán học, khoa học, xã hội, âm nhạc, thủ công, giáo dục thể chất và công nghệ (kỹ năng nấu nướng và may vá đơn giản). Ngày càng có nhiều trường tiểu học đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Công nghệ thông tin ngày càng được sử dụng nhiều nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục. Hầu hết các trường đều có lắp đặt Internet.

Học sinh cũng được dạy các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản như shodo (thư pháp) và thơ haiku. Shodo là bộ môn nghệ thuật dùng bút lông và mực để viết kanji (hệ thống chữ cái được sử dụng ở một số quốc gia Đông Á, mỗi chữ mang một ý nghĩa riêng) và kana (hệ thống chữ có ngữ âm bắt nguồn từ kanji) theo phong cách nghệ thuật.

Haiku là một thể thơ được phát triển ở Nhật Bản khoảng 400 năm trước. Mỗi bài thơ haiku chỉ có 17 âm tiết, chia thành 3 câu thơ, mỗi câu thơ có số lượng âm tiết lần lượt là 5-7-5. Haiku sử dụng phương thức đơn giản để truyền đạt cảm xúc đến độc giả.

Hoạt động thường nhật tại trường

Tại các trường tiểu học ở Nhật Bản, lớp học thường được chia thành các nhóm nhỏ cho nhiều hoạt động. Đây là một phần của hệ thống giáo dục Nhật Bản, mỗi ngày từng nhóm học sinh phải tự dọn dẹp các lớp học, hội trường và sân trường. Ở nhiều trường tiểu học, học sinh ăn trưa cùng nhau trong lớp học. Đồ ăn thường do trường hoặc căn tin trường chuẩn bị. Các nhóm nhỏ học sinh thay phiên nhau phục vụ bữa trưa cho các bạn cùng lớp. Bữa ăn ở trường cung cấp cho học sinh nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Vì thế, học sinh luôn mong chờ giờ ăn trưa.



Các học sinh ăn trưa cùng nhau - Ảnh: AFLO

Các trường tổ chức rất nhiều sự kiện trong suốt năm học, chẳng hạn như ngày hội thể thao, học sinh thi đấu trong các cuộc thi kéo co, chạy tiếp sức hay các hoạt động dã ngoại, đến thăm các di tích lịch sử, lễ hội văn hóa hay hoạt động nghệ thuật có phần biểu diễn của chính các em học sinh. Học sinh cuối cấp ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thường có những chuyến đi dài ngày đến các thành phố nổi tiếng về văn hóa như Kyoto và Nara, các khu nghỉ mát trượt tuyết và nhiều nơi khác.



Học sinh tiểu học tham quan Kênh đào Hồ Biwa - Ảnh: web-japan.org

Hầu hết các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục.

Hoạt động câu lạc bộ

Hầu hết tất cả học sinh đều tham gia vào hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn như câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ nghệ thuật, hoặc câu lạc bộ khoa học.



Học sinh tham gia câu lạc bộ quần vợt - Ảnh: web-japan.org

Các em nam sinh yêu thích nhất câu lạc bộ bóng chày. Các câu lạc bộ bóng đá cũng đang dần trở nên phổ biến. Câu lạc bộ Judo - nơi học sinh có cơ hội luyện tập môn võ truyền thống của Nhật Bản, thường thu hút cả nam sinh lẫn nữ sinh. Tại câu lạc bộ này, các em học sinh được truyền cảm hứng từ nhiều vận động viên judo vĩ đại của Nhật Bản, những vận động viên từng giành huy chương tại các Giải vô địch Judo thế giới hay Thế vận hội Olympic.

Các câu lạc bộ thể thao phổ biến khác bao gồm quần vợt, bóng rổ, thể dục dụng cụ và bóng chuyền. Nhiều giải thi đấu tranh tài thường được tổ chức giữa các trường cũng như ở cấp khu vực, mang đến cho học sinh nhiều cơ hội để thi đấu cọ xát.



Go là bộ môn cờ giữa hai người chơi, sử dụng quân đen và trắng. Người thắng cuộc là người chiếm được vùng bàn cờ rộng nhất - Ảnh: web-japan.org

Trong số các câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ cờ vây đang dần trở nên phổ biến. Go (cờ vây) là bộ môn cờ chiến lược với hai quân cờ đen và trắng. Sau khi bộ truyện tranh manga về chủ đề cờ vây được xuất bản, ngày càng có nhiều học sinh bắt đầu hứng thú với bộ môn này.

Các lựa chọn ngoại khóa khác có thể kể đến như các dàn hợp xướng hay câu lạc bộ nghệ thuật. Gia nhập các ban nhạc kèn đồng, câu lạc bộ trà đạo, cắm hoa cũng là lựa chọn phổ biến của học sinh Nhật Bản.

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán