Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

AIIB ra đời và sự thay đổi của WB - IMF - ADB

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB - Asian Infrastructure Investment Bank) - vốn được coi là đối thủ đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB), Qũy tiền tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chính thức được thành lập ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 25/12/2015.

Theo Reuters, việc thành lập AIIB diễn ra sau khi 17 thành viên chính của AIIB, chiếm hơn 50% vốn cổ phần, đã phê chuẩn thỏa thuận thành lập. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết các điều khoản trong thỏa thuận quy định về mức đóng góp tài chính của các thành viên sáng lập cũng như những quy định về cơ cấu quản lý, hệ thống kinh doanh, hoạch định chính sách và các hoạt động liên quan. AIIB dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 01/2016 và chính thức bầu chủ tịch hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc. Ngân hàng này sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án tài trợ về điện, giao thông vận tải, và cơ sở hạ tầng đô thị ở Châu Á.



Theo Japan Times, trước đó ngày 29/6 tại Bắc Kinh, phái đoàn từ 57 nước đã tham gia ký kết thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Các quốc gia thành viên của AIIB ký kết các điều khoản trong bản thỏa thuận quyết định về số cổ phần mà mỗi nước sở hữu và tổng số vốn đầu tư hoạt động ban đầu. Ngân hàng AIIB thành lập được xem đối thủ cạnh tranh của WB, ADB và IMF. Mỹ là nước lên tiếng phản đối sự xuất hiện của AIIB nhưng nhiều đồng minh của Washington như Anh, Đức, Australia và Hàn Quốc… đã tham gia vào tổ chức này. Đa số thành viên tham gia AIIB là các quốc gia Châu Á và những nước tới từ khu vực Trung Đông và Nam Mỹ. Nhật Bản và Mỹ không tham gia. Các nước Châu Á chiếm 75% cổ phần trong AIIB, các quốc gia Châu Âu và những nước còn lại sẽ giữ 25% cổ phần. AIIB hoạt động với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ dần được tăng lên thành 100 tỷ USD. So với ADB (163 tỷ USD), IMF (737 tỷ USD), và WB (352 tỷ USD), thì quy mô của AIIB khá nhỏ. Trung Quốc sẽ nắm từ 25 - 30%, Ấn Độ giữ vị trí thứ hai với 10 - 15%, thứ 3 là Nga, thứ 4 là Đức và tiếp theo là Australia… Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không nắm quyền phủ quyết trong hệ thống AIIB. Điều này trái ngược với việc Mỹ có quyền phủ quyết trong WB. Theo People’s Daily hôm 25/6, ông Lou Jiwei cũng thừa nhận: "Cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để đưa AIIB trở thành một tổ chức mang tiêu chuẩn ngang hàng với các thể chế tài chính toàn cầu". Trung Quốc cam kết dẫn dắt AIIB đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về quản lý. Tuy nhiên, theo Giáo sư Kamel Mellahi - Đại học Warwick (Anh), tâm điểm chú ý hiện nay là cách thức nước này có thể quản lý một tổ chức đa phương phức tạp như AIIB.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với Nhật Bản là nước có quyền biểu quyết lớn nhất với 12,84%, tiếp theo là Mỹ với 12,75% đang đưa ra các biện pháp nhằm duy trì vị thế là nguồn cung cấp tài chính trong khu vực trước việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB). Trong 50 năm qua, các quốc gia Châu Á nhận được nguồn tài trợ của ADB, vốn được hậu thuẫn chủ yếu bởi Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự thay đổi với sự trỗi dậy của AIIB với sự hậu thuẫn chủ yếu từ Trung Quốc. ADB cho biết sẽ kết hợp các khoản vay cho các nước thu nhập trung bình cùng với những khoản tài chính viện trợ thông thường cho các nước nghèo. Bên cạnh đó ADB cũng có các khoản tín dụng cho những nước thu nhập trung bình với mức lãi suất thị trường. Động thái này của ADB sẽ giúp gia tăng viện trợ cho các nước nghèo lên 70%. Cùng với những dự án đồng tài trợ khác, những khoản đầu tư viện trợ của ADB dự kiến sẽ tăng từ mức 23 tỷ USD năm 2014 lên 40 tỷ USD trong những năm tiếp theo.

Theo ADB, đến cuối năm 2015 sẽ thành lập một quỹ trị giá 150 triệu USD để đầu tư vào các dự án hợp tác nghiên cứu giữa tư nhân và nhà nước. Ngoài ra, ADB cũng đã ký một hợp đồng thỏa thuận hợp tác với 8 ngân hàng thương mại bao gồm HSB và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, nhằm thúc đẩy các dòng vốn tư nhân vào những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. ADB dự báo việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Châu Á sẽ cần khoảng 8 nghìn tỷ USD trong khoảng 2010-2020. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết nước này sẽ tăng cường chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Châu Á. Đồng thời, Nhật Bản sẽ gia tăng đóng góp nguồn nhân lực, ý kiến và tài chính cho ADB.



Mỹ đã lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sử dụng AIIB để thiết lập trật tự mới cho thị trường tài chính thế giới với những quy tắc do Trung Quốc lập ra. Cựu Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Jacob Lew cho rằng, sự phát triển của AIIB đặt ra một câu hỏi lớn cho sự tồn tại hợp pháp của IMF và WB. Việc Tokyo không tham gia AIIB, theo các chuyên gia tài chính, là vì AIIB sẽ cạnh tranh trực tiếp với ADB mà Nhật Bản giữ vai trò đứng đầu. ADB thành lập vào năm 1966, có vốn đăng ký là 50 tỷ USD, hiện có 48 thành viên khu vực Châu Á và 19 thành viên ngoài khu vực, trong số đó có Mỹ. Nhận định AIIB sẽ thách thức sự tồn tại của hệ thống Bretton Woods với hai định chế tài chính WB và IMF do Mỹ thiết lập. Với việc đã từng chỉ trích WB và ADB chậm đáp ứng các yêu cầu về phát triển của các nước, Bắc Kinh cho rằng AIIB sẽ thúc đẩy việc phê duyệt nguồn vốn cho các dự án nhanh hơn so với các đối tác tại WB, IMF và ADB. 

Theo Financial Times ngày 12/5/2015, Sargon Nissan - Giám đốc kinh doanh của IMF cho rằng sự ra đời của AIIB đang thách thức và phá vỡ Hệ thống Bretton Woods đã hoạt động 70 năm, thậm chí đang viết "cáo phó" đối với WB. Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có tiếng nói mạnh mẽ trong những quyết định quan trọng của IMF mặc dù đã cung cấp một ngân sách đáng kể cho hoạt động của tổ chức này. Nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc cảm thấy không thể làm được bất cứ việc gì ở WB hay IMF nên muốn thiết lập một ngân hàng thế giới riêng mà Trung Quốc có quyền kiểm soát. AIIB có chức năng hoạt động tương tự như WB nhưng các điều kiện mở rộng hơn đồng thời cũng xây dựng quỹ tiền tệ tương tự như IMF. Theo đánh giá của giới chuyên gia, AIIB không có những kiểu chính sách thắt lưng buộc bụng như IMF thì AIIB sẽ nhanh chóng đánh chiếm nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế ngoài Châu Á cũng như Châu Âu, đặc biệt là Đông Âu. Theo New York Times, Trung Quốc - với nguồn lực tài chính hùng mạnh - giờ đây sẽ là đối thủ của Mỹ khi vừa qua  IMF đã chính thức chấp thuận đồng nhân dân tệ gia nhập giỏ tiền tệ thế giới, cùng với đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Quy mô và tiềm năng của AIIB dù nhỏ hơn nhưng không quá khác với IMF và WB. AIIB có 3 điểm tương đồng với các tổ chức Bretton Woods:

1. IMF và WB mở rộng quyền kiểm soát tiền tệ. AIIB hạn chế ảnh hưởng của Mỹ về kinh tế ở Châu Á. WB và IMF đã làm điều đó bằng việc quốc tế hóa quy tắc thương mại như giảm thuế và các quy tắc ngoại hối (không giảm giá) trong tài trợ cho tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh. AIIB hy vọng sẽ đạt được điều đó bằng việc quốc tế hóa việc phát triển cơ sở hạ tầng. 

2. AIIB tập trung vào cơ sở hạ tầng, theo Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), AIIB đã có 16% cam kết với các nước. Theo một số ước tính, CDB và Exim Bank của Trung Quốc sẽ cùng nhau cung cấp thêm viện trợ cho Châu Á mà trước đó là của WB và ADB kết hợp. Trong năm 2014, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 2% bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng như là một công cụ quan trọng, và WB đã tạo ra cơ sở hạ tầng toàn cầu cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Nhưng những nỗ lực của WB bây giờ sẽ bị lu mờ bởi AIIB.

3. Hoa Kỳ đã chi phối WB và IMF. Trung Quốc muốn chi phối AIIB vì không có vai trò trong WB và IMF (thấp hơn 5%). Trung Quốc đang tìm kiếm quyền biểu quyết 50% vốn ban đầu đăng ký AIIB. Trung Quốc thất vọng với các tiêu chuẩn quản trị công bằng và chính sách hỗ trợ của WB và IMF cũng như sự can thiệp trong hoạch định chính sách ở Trung Quốc của hai tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán