Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Chính sách nông nghiệp của UAE

An ninh lương thực là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của các quốc gia và đặc biệt ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Với khí hậu khô cằn, mực nước ngầm thu hẹp, dân số đã tăng theo cấp số nhân - từ khoảng 300.000 người năm 1971 (năm UAE được thành lập) thì hiện nay là 9,5 triệu người. Chính vì vậy, nhu cầu lương thực là rất cấp thiết đối với UAE khi mà điều kiện thiên nhiên không thuận lợi cho nông nghiệp. Để đảm bảo nguồn lương thực, chính phủ UAE có những chính sách cụ thể cho việc sản xuất và cung cấp thực phẩm dựa vào công nghệ. UAE hiện đứng thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn cầu về an ninh lương thực và sẽ phấn đấu lọt top 10 trong năm 2021. Các sáng kiến, mục tiêu chiến lược trong việc đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường công nghệ sản xuất và liên kết thương mại quốc tế, trong đó công nghệ nông nghiệp (AgTech) đóng vai trò quan trọng đối với chương trình an ninh lương thực của UAE. AgTech bao gồm các phương pháp nông nghiệp tiên tiến, khác biệt với cách canh tác truyền thống, do đó AgTech được xem là một giải pháp cho các vấn đề an ninh lương thực của UAE nhằm giảm 90% thực phẩm mà nước này hiện đang nhập khẩu.



Chính phủ UAE đã thực hiện các chính sách như canh tác nông nghiệp trong môi trường có kiểm soát (controlled-environment agriculture - CEA), sử dụng công nghệ cao đối với sản xuất thực phẩm, quản lý đầu vào nông nghiệp đúng cách và tối đa hóa sản lượng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp với các cơ quan chính phủ để cung cấp các giải pháp về CEA nhằm thực hiện một môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự đổi mới. Nuôi trồng thủy sản là việc chăn nuôi có kiểm soát các loài như cá, động vật giáp xác, thực vật thủy sinh, tảo và các sinh vật khác sống trong nước ngọt và nước mặn. Nuôi trồng thủy sản là một trong những ứng dụng tốt nhất của UAE. Nông trại thẳng đứng được xác định là giải pháp cho các vấn đề an ninh lương thực của UAE. Nông trại thẳng đứng là hình thức canh tác với việc thực vật được trồng theo chiều dọc nhiều tầng trong môi trường trong nhà, nơi các yếu tố môi trường có thể được kiểm soát chặt chẽ. Các trang trại thẳng đứng thường sử dụng ánh sáng nhân tạo, điều chỉnh độ ẩm, kiểm soát nhiệt độ và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, cho phép sản xuất rau với số lượng lớn quanh năm mà không cần đất, ánh sáng mặt trời và hóa chất. Các ứng dụng thương mại của nông trại thẳng đứng đã được hiện thực hóa ở UAE và vùng Vịnh vào tháng 12 năm 2017. Máy bay điều khiển từ xa đã hiện diện trên bầu trời UAE và đang cung cấp lợi ích cho ngành nông nghiệp. Máy bay không người lái (UAV - unmanned aerial vehicle) đang được sử dụng để lập bản đồ các khu vực canh tác trên toàn quốc. Được công bố vào tháng 6 năm 2017, UAV đang được sử dụng để tạo ra một cơ sở dữ liệu nông nghiệp có độ chính xác cao, hỗ trợ cho việc ra quyết định và lập kế hoạch bằng cách cho phép sử dụng tốt nhất các nguồn lực và xác định các khu vực tối ưu cho tăng trưởng cây trồng. Phổ biến nhất của AgTech trong lĩnh vực nông nghiệp UAE là sử dụng cảm biến làm tăng năng suất cho các dự án nông nghiệp quy mô lớn và các trang trại hữu cơ nhỏ. Các thiết bị GPS trang bị cảm biến được sử dụng để kiểm soát cây trồng cũng như việc tận dụng tối đa đất và nước, và điều tiết ánh sáng bằng công nghệ cho phù hợp với từng loại cây trồng. Nuôi trồng thủy sản, nông trại thẳng đứng, sử dụng cảm biến và sử dụng máy bay điều khiển từ xa… là một số công nghệ đang được sử dụng ở UAE để tối đa hóa sản xuất cây trồng trong khi vẫn đảm bảo tốt các nguồn lực khác. Đây là khởi đầu cho vai trò mở rộng của AgTech trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, UAE đang tạo điều kiện cho việc tự động hóa kết hợp với trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực mới trong nông nghiệp.



UAE đang tìm kiếm các công nghệ mới có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt, khan hiếm nước cũng như độ mặn của đất, và trồng trọt những giống cây trồng với lượng nước ít nhất. UAE hiện đang nhập khẩu 85% nguồn cung cấp thực phẩm và đặt mục tiêu sản xuất 60% thực phẩm để cung cấp cho dân số toàn cầu 9 tỷ người trong vòng 33 năm tới. Năm 2030, nhu cầu lương thực toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 50%, gây áp lực lên các chính phủ trong việc tìm giải pháp cung cấp an ninh lương thực. Trong khi đó, số người suy dinh dưỡng trên thế giới đã tăng từ 777 triệu vào năm 2015 lên 815 triệu vào năm 2016. Nông nghiệp đã trở thành một hoạt động kinh tế dựa trên việc sử dụng các công nghệ mới nhất. Quốc vương quá cố Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp nước này. Những nỗ lực to lớn đã được thực hiện để bảo tồn tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy áp dụng và lắp đặt hệ thống tưới tiêu hiện đại để thay thế phương pháp tưới ngập nước, gây lãng phí nước. Việc sử dụng các hệ thống tưới tiêu hiện đại (hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt và đài phun nước) đã tăng lên 91% vào năm 2011 từ 32% vào năm 1999. Số lượng trang trại tăng từ 4.000 trong năm 1971 lên 35.704 trong năm 2011, UAE hiện có 54 trang trại thực vật hữu cơ. Diện tích sản xuất hữu cơ tại UAE đã tăng lên 3.920 ha vào cuối năm 2013. Thông qua nông nghiệp bền vững, UAE đặt mục tiêu đảm bảo các hệ thống sản xuất lương thực và thực hiện các hoạt động nông nghiệp giúp tăng năng suất và sản xuất mà vẫn duy trì môi trường sinh thái.

Theo Agra Middle East, UAE phụ thuộc vào nhập khẩu tới 85% nhu cầu thực phẩm với chi phí 2,9 tỷ USD mỗi năm. Với dưới 7% đất canh tác có sẵn và thách thức canh tác chỉ trong 6 tháng, đầu tư vào ngành công nghiệp theo chính sách nông nghiệp dài hạn nơi môi trường khô cằn với lượng mưa hàng năm chỉ là 120 mm và sử dụng nước biển được khử muối giúp cho nhiều trang trại của UAE tồn tại. Cách tiếp cận chiến lược của UAE đối với an ninh lương thực phát triển bền vững với sự hợp tác của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc đang được thực hiện trong 15 năm qua. Những nỗ lực để nâng cao vị thế là trung tâm thương mại thực phẩm của GCC (Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh)/Trung Đông với quốc gia đã là nhà tái xuất hàng đầu, được hỗ trợ bởi các đối tác khu vực tư nhân để phát triển khả năng lưu trữ và phân phối thực phẩm. Cơ quan kiểm soát thực phẩm của Abu Dhabi về Dự án nông nghiệp sử dụng nước tái chế được xử lý bằng tia UV và hệ thống làm mát sẵn có để trồng cây mà không có tác động của biến đổi khí hậu. Lợi ích của canh tác thủy canh là ưu tiên hàng đầu và đang phát triển với 1.000 trang trại hiện đang vận hành nhà kính thủy canh (tăng từ 50 trong năm 2009) với 46.900 mẫu Anh dành cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.



Chính phủ UAE đang tích cực thực hiện chính sách đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài để giúp đảm bảo nguồn cung lương thực bằng cách tài trợ cho các dự án ở Namibia, Nam Phi và Sudan với mục tiêu ngừng sản xuất lúa mì trong nước để tiết kiệm nước. Đưa sự đổi mới nông nghiệp lên một cấp độ hoàn toàn mới, Cơ quan Vũ trụ UAE và Nhật Bản đã thảo luận về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong nông nghiệp: phát triển các vệ tinh khảo sát và lập bản đồ được trang bị công nghệ viễn thám để theo dõi sự phát triển của thực vật cũng như phát hiện sớm các bệnh trên đất nông nghiệp. 

Do khí hậu khô cằn và nguồn tài nguyên khan hiếm, UAE có kế hoạch tìm cách đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp bằng cách áp dụng các kỹ thuật canh tác và bảo tồn nguồn nước. Đó là lý do tại sao các công ty trong và ngoài nước được khuyến khích đầu tư vào nền kinh tế nông nghiệp của UAE. Tháng 11/2017, Pure Harvest Smart Farms đã đầu tư 4,5 tỷ USD tài trợ cho việc xây dựng một trang trại nhà kính rộng 3,3 ha được kiểm soát khí hậu ở Nahel, Abu Dhabi. Thị trường UAE rất linh hoạt và mở cửa cho các nhà đầu tư. Trên thực tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Abu Dhabi dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế UAE trong những năm tới là 13%, trong đó nông nghiệp đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của UAE.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán