Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) & những thách thức

Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là một thỏa thuận thương mại và đầu tư đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao đang được đàm phán giữa Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU).

TTIP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và dự báo với hơn 13 triệu việc làm tại Mỹ và EU TTIP được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, việc làm và tăng trưởng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Việc ký kết TTIP thành công sẽ đóng vai trò lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với các công ty vừa và nhỏ. TTIP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu. Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm. TTIP quan trọng với Châu Âu vì nhiều yếu tố, trong đó 60% đầu tư ở Châu Âu là từ Mỹ.

Vòng đàm phán thứ 9 về hiệp định TTIP giữa Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ diễn ra tại New York ngày 20/4/2015 sau hai năm bị gián đoạn. Các cuộc thảo luận nhằm mục tiêu dỡ bỏ các thuế quan, loại bỏ tình trạng quan liêu và nới lỏng các hạn chế về đầu tư trong khu vực thương mại. Khối Liên minh Châu Âu gồm 28 quốc gia hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama đã thúc giục đôi bên đạt thỏa thuận trong năm 2015 khi dự luật lưỡng đảng cho phép Tổng thống có quyền xúc tiến thương mại đã được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Quyền xúc tiến thương mại chỉ cho phép Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ hay phản đối một thỏa thuận thương mại mà không có quyền đưa ra các thay đổi.



Công dân Châu Âu phản đối hiệp định TTIP với Ủy ban Châu Âu, ngày 07/10/ 2015

Tuy nhiên dự luật này đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ các thành viên trong Đảng Dân chủ, trong đó có Thượng nghị sĩ độc lập đại diện tiểu bang Vermont Bernie Sanders. Ông Sanders phát biểu trên kênh truyền hình Fox News rằng những thỏa thuận thương mại như thế làm sút giảm tiền lương ở Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Obama cho rằng việc phản đối thỏa thuận thương mại là đồng nghĩa với việc chấp nhận tình trạng hiện thời là các công ty nước ngoài có thể bán hàng trên thị trường Mỹ, nhưng các công ty của Mỹ lại không thể cạnh tranh một cách hiệu quả ở nước ngoài.

TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía Châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó cho phép các công ty tư nhân có thể khởi kiện chống lại các hành động của chính phủ làm hại đến các khoản đầu tư của họ. Các nhà lãnh đạo Châu Âu lo ngại các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ sử dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước - Nhà đầu tư (ISDS) để thách thức các luật lệ về thực phẩm, lao động và môi trường của EU. Hàng nghìn người đã xuống đường ở Đức và một số nơi khác để phản đối các cuộc thương thảo về hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương. Họ lên án điều họ coi là sự thiếu minh bạch, sự thiên vị đối với các tập đoàn lớn và làm tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Gary Hufbauer, chuyên viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói rằng sự phản đối này nhiều khả năng sẽ làm đình trệ việc thông qua TTIP cho tới sau khi ông Obama rời nhiệm sở vào tháng 01/2017. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero và người đồng cấp Mỹ Dan Mullaney khẳng định cuộc đàm phán đã diễn ra tốt đẹp sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 10 về TTIP từ ngày 13 - 17/7/2015 và hai bên cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ các cuộc thảo luận tập trung vào những lĩnh vực chính như dịch vụ, mua sắm công và điều chỉnh các quy định. EU sẽ sớm gửi cho Mỹ đề nghị chính thức về việc sửa đổi Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước - Nhà đầu tư sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua sửa đổi này hôm 08/7/2015 , Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tham vấn với các nước thành viên và Nghị viện để chốt các đề xuất của mình trước khi trình phía Mỹ. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney hy vọng sẽ nhận được đề xuất của EU trong thời gian sớm nhất, đồng thời khẳng định dù TTIP có thể được hoàn tất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Hiện phía Mỹ đã cải tiến hệ thống ISDS theo hướng tính đến công bằng và quyền của nhà quản lý để điều tiết lợi ích công cộng.



Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero và người đồng cấp Mỹ Dan Mullaney

Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết, cho tới nay vẫn còn nhiều vấn đề hai bên chưa nhất trí được với nhau, do vậy không thể nói chắc chắn về một hiệp định có thể đạt được trước thời điểm cuối năm 2015. Ông Bercero không nghĩ rằng cuộc tổng tuyển cử trong năm 2016 ở Mỹ sẽ làm chệch hướng tiến trình đàm phán về TTIP. Trong khi đó, vòng đàm phán thứ 11 của hiệp định TTIP khó khăn bởi một làn sóng bất bình của dân chúng. Ngày 7/10, chữ ký của hơn 3,2 triệu công dân đã được trình lên Ủy ban Châu Âu đòi dừng việc đàm phán TTIP vì cho rằng đó là mối đe dọa cho nền dân chủ, đem lại lợi ích cho các tập đoàn lớn. Đúng một năm từ khi khởi động, Tổ chức Sáng kiến Người dân Châu Âu Độc lập phản đối TTIP đã thu thập được nhiều hơn 3 lần số chữ ký so với yêu cầu của EC để vấn đề được các cấp Brussels xem xét. Nó cũng vượt quá số chữ ký cần thiết quy định cho mỗi quốc gia.

Các nội dung đàm phán mà TTIP cần vượt qua là:

- Các dịch vụ công cộng, đặc biệt là NHS (Dịch vụ y tế quốc gia). Một trong những mục tiêu chính là để mở ra các dịch vụ y tế công cộng, giáo dục cho các công ty Mỹ và EU. Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố rằng dịch vụ công sẽ được giữ ngoài TTIP. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Anh Lord Livingston đã thừa nhận rằng các vấn đề về NHS vẫn còn trên bàn đàm phán.

- Thực phẩm và an toàn môi trường.

- ACTA (Hiệp định thương mại chống hàng giả).

- Việc làm: EU đã thừa nhận rằng TTIP có thể sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp khi các công việc chuyển sang Mỹ.

- Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước - Nhà đầu tư (ISDS)

Tuy nhiên, khi TTIP được ký kết thì quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Châu Âu sẽ càng được củng cố hơn. Về mặt kinh tế và chính trị thì Hiệp định TTIP là cách để Mỹ và EU tạo thành một liên minh vững chắc hơn nhằm đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Sung Tích
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán