Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Kinh tế Israel và chính sách của chính phủ

Israel là nền kinh tế khoa học tiên tiến. Các mặt hàng nông nghiệp và thiết bị công nghệ cao như vũ khí, dược phẩm, gia công kim cương…là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Israel.

Nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm dầu thô, ngũ cốc, nguyên liệu và thiết bị phụ trợ cho ngành quân sự… Giai đoạn 2004-2011, tốc độ tăng trưởng trung bình của Israel đạt gần 5%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã tạo nên một cuộc suy thoái ngắn. Năm 2010, Israel chính thức gia nhập OECD (Organization for Economic Cooperation and Development - một trong 34 nền kinh tế phát triển nhất thế giới). Với nền khoa học tiên tiến, kinh tế của Israel đã phục hồi tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế trong khu vực và các nền kinh tế tương đồng trên thế giới. Tháng 5/2013 chính phủ Israel, trong quá trình khó khăn đã thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thâm hụt và khôi phục niềm tin vào vị thế tài chính của mình. Về lâu dài Israel phải đối mặt với vấn đề tái cấu trúc kinh tế bao gồm tỷ lệ tham gia lao động thấp và các phân đoạn kinh tế xã hội. Với ngành công nghệ dựa trên tri thức, Israel sử dụng khoảng 9% lực lượng lao động, phần còn lại được sử dụng trong sản xuất và dịch vụ - lĩnh vực mà Israel phải đối mặt với áp lực giảm mức lương nhằm cạnh tranh với thị trường lao động thế giới.

Nền kinh tế Israel đã sẵn sàng để phục hồi trong năm 2015, sau cuộc chiến Gaza mùa hè năm 2014, kinh tế phục hồi mạnh trong quý IV năm 2014 đã dẫn đến sự tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong gần 8 năm gần đây. Quý IV năm 2014 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 7,2%, sự phục hồi giống giai đoạn cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Giai đoạn sau cuộc chiến ở Lebanon, kinh tế Israel cũng tăng trưởng mạnh. Một phần của sự phục hồi trong quý IV năm 2014 cũng bắt nguồn từ sự mất giá mạnh đồng shekel so với đồng USD, đẩy mạnh xuất khẩu công nghiệp - chủ yếu là công nghệ cao và chi tiêu chính phủ lớn, chủ yếu về quốc phòng và sự phục hồi của kinh tế Mỹ. "Tốc độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp nói chung và xuất khẩu công nghiệp sẽ tốt hơn trong năm nay so với năm ngoái", Nitzan Aviram cho biết. Sự tăng trưởng được dự báo ở mức 3,2% năm 2015, so với mức 2,9% năm 2014.



Một trong những nơi khô cằn nhất thế giới lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng rau và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu của Israel - Ảnh: Reuters

Xuất khẩu chiếm khoảng 40% các hoạt động kinh tế tăng 7,3% trong quý IV năm 2014 bao gồm chi tiêu cá nhân và các thành phần khác tăng trưởng 6,8%. Đầu tư tài sản cố định tăng 8,7% (sau khi giảm trong 3 quý trước), chi tiêu chính phủ tăng 12,2%. GDP tăng trưởng 8,8% trong quý IV (theo Cục Thống kê Trung ương).

Nền kinh tế Israel sẽ phát triển hơn trong vòng 2 năm tới so với ước tính trước đó, theo các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg News. Tổng sản phẩm trong nước tăng lên 2,3% trong năm 2014, sẽ tăng 3% trong năm 2015 và 3,3% trong năm 2016. Trong tháng 8/2014 các nhà kinh tế đã dự đoán tăng trưởng 2,9%, 3,3 % năm 2015 và 3,8 % năm 2016. Năm 2014 sau 50 ngày xung đột quân sự của Israel với các chiến binh ở Gaza làm giảm lượng khách du lịch và sản xuất bị ảnh hưởng, “Chiến tranh làm giảm 0,6% tăng trưởng kinh tế hàng năm, thiệt hại về du lịch hoặc huỷ bỏ giao dịch dẫn đến tổn thất về sản xuất và thương mại”, Alex Zabezhinsky, nhà kinh tế trưởng tại Tel Aviv cho biết trong một báo cáo, đề cập đến các cuộc xung đột quân sự. Trong năm 2015, lạm phát được dự đoán tăng 1% và 1,5% trong năm 2016, so với dự báo trước đó là 1,7% năm 2015 và 2,1% năm 2016. Ngân hàng Trung ương Israel duy trì lãi suất không đổi ở mức 0,25% vào ngày 24/11/2014, sau 2 lần giảm bất ngờ trong tháng 6 và 7/2014. Nền kinh tế Israel là 250 tỷ USD trong năm 2012. Với số dân khoảng 7,5 triệu người, GDP bình quân đầu người tăng đáng kể tính từ năm 1948, từ 1.132 USD (1962) và 19.836 USD (2000) Israel đã tăng tới 32.000 USD trong năm 2012. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2013, thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua của Israel đạt 37.000 USD, GDP đạt khoảng 291 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 3,33%. Trong khi các khoản nợ quốc gia giảm nhanh chóng, từ 100% trong năm 2002 giảm về 75% trong năm 2012, so với mức trung bình của OECD là 78%. Ngân hàng Trung ương Israel xem dự trữ ngoại hối là rất quan trọng trong nền kinh tế và tăng từ 25 tỷ USD năm 2004 lên 75 tỷ USD năm 2012.



Thành phố Tel Aviv, Israel nơi các nhà đầu tư công nghệ đang tìm đến

Theo Warren Buffet, một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới, "Nếu bạn đi tới Trung Đông để tìm dầu, bạn có thể bỏ qua Israel. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm bộ não, Israel là nơi lựa chọn hoàn hảo nhất”. Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành của Google là một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao của Israel thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình, ông cho rằng Israel "là trung tâm công nghệ cao quan trọng nhất trên thế giới sau Mỹ". Hiện Intel có 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển cùng với 2 nhà máy sản xuất tại Israel. Giám đốc điều hành Intel Paul Otellini đã tiết lộ rằng "chúng tôi là nhà đầu tư tư nhân lớn nhất ở Israel với 8.200 nhân viên, và hầu hết những nhân viên Israel có kỹ thuật công nghệ cao và các kỹ thuật tinh vi nhất của Intel được thực hiện ở Israel”. Các nhà công nghệ lớn của thế giới như Microsoft, eBay, Google, Cisco… đều xem Israel là Thung lũng Silicon ngoài biên giới Mỹ. Israel, một quốc gia nhỏ bé của những người nhập cư bị tàn phá bởi chiến tranh, đã phát triển để trở thành quốc gia công nghệ tiên tiến..."Để duy trì sự cạnh tranh công nghệ cao, Israel dành 4,5% GDP cho nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ cao nhất trên thế giới, Thụy Điển (3,8%), Phần Lan (3,5%), Hàn Quốc (3,4%), Nhật Bản (3,3%), Mỹ (2,8%), Đức (2,7%) và Canada (1,7%).

Sức mạnh của nền kinh tế Israel không chỉ xuất phát từ những doanh nghiệp công nghệ cao mà còn do các chính sách quản lý vĩ mô khôn ngoan. Chỉ sau một vài thập kỷ, Israel đã chuyển đổi thành công "từ một nền kinh tế lạc hậu theo đường lối bán tập trung để trở thành một siêu cường về công nghệ cao" (The Economist - năm 2010). Tính trung bình Israel có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ngày nay Israel được xem như một Thung lũng Silicon của khu vực Trung Đông. Nền kinh tế Israel phát triển với chính sách nhập cư và triển khai những chính sách kinh tế phù hợp với chính sách đầu tư mới vào công nghệ, giáo dục, nông nghiệp…bên cạnh chính sách đầu tư mạo hiểm. Năm 2005, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hoàn tất những nỗ lực cuối cùng để giải tỏa sự can thiệp của Nhà nước đối với ngành công nghiệp tài chính Israel. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận công lao ban đầu của Nhà nước Israel trong việc thi hành những chính sách thông minh gây dựng thành công một hệ sinh thái phù hợp cho các doanh nghiệp công nghệ.

Stanley Fischer - Thống đốc Ngân hàng Israel (2005 - 30/6/2013), từng là giáo sư ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Phó Giám đốc IMF và khi được bổ nhiệm vào vị trí điều hành chính sách tiền tệ của Israel, ông thậm chí còn chưa có quốc tịch Israel. Nhưng kể từ khi đảm nhiệm cương vị này năm 2005, ông đã giúp giá trị đồng tiền nội địa tương đối ổn định so với đồng USD luôn biến động - qua đó hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu - đồng thời chèo lái nền kinh tế tăng trưởng vững vàng. Theo Evan Soltas - một blogger nổi tiếng - sự tăng trưởng của Israel là kết quả từ một chiến lược gây tranh cãi có tên gọi “hướng theo chỉ tiêu GDP danh nghĩa”(nominal GDP targeting), trong đó Ngân hàng Trung ương đặt ra một mục tiêu tăng trưởng hằng năm và cố gắng đạt được mục tiêu đó, bằng cách tạo ra lạm phát, hoặc kích thích tăng trưởng thực trong nền kinh tế. Có nghĩa là ngăn ngừa các khoản nợ tư gây suy thoái kinh tế, bằng cách đảm bảo thu nhập tăng ổn định, cho dù tăng trưởng thực có bị chậm. Chính sách nhập cư cởi mở và sự năng động của các nhà đầu tư đóng vai trò cho thành công của nền kinh tế Israel. Bên cạnh vai trò quan trọng của chính sách điều hành khôn ngoan thể hiện trong chi tiêu công, những mối quan hệ hợp tác công tư, và chính sách đảm bảo GDP danh nghĩa tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, Chính phủ Israel rất nhạy bén nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân, biết khi nào cần can thiệp vào thị trường để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, khi nào cần đối phó với lạm phát, và khi nào thì cho phép lạm phát một cách giới hạn và tạm thời để phục vụ cho tăng trưởng. Đây là những bài học hữu ích cho các nhà quản lý.



Buổi làm việc giữa Bộ Công thương Việt Nam và Israel tại Hà Nội

Tháng 8/2004, Israel và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thương mại tiếp tục phát triển. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2013, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Israel đạt 605,3 triệu USD, tăng 38% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 400,7 triệu USD, tăng 43%, và nhập khẩu từ Israel đạt 204,6 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục đà tăng trưởng này, trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước đạt 426,0 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 261 triệu USD và nhập khẩu từ Israel đạt 165 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm: điện thoại di động và linh kiện ước đạt 190 triệu USD (chiếm tỉ trọng 58%), hàng thủy sản ước đạt 22 triệu USD (chiếm tỷ trọng 7%), giày dép các loại ước đạt 15 triệu USD. Còn nhập khẩu chủ yếu từ Israel là các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất trong nước. Hiện Israel đang nổi lên là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Xét về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Israel chỉ đứng sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xêút.

Trần Nguyễn
Tổng hợp

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán