Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Starwood & Các thương hiệu khách sạn hàng đầu

Tập đoàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng Starwood (Starwood Hotels & Resorts) được thành lập bởi doanh nghiệp đầu tư bất động sản của Mỹ là Starwood Capital. Ban đầu, chuỗi khách sạn này có tên là Starwood Lodging, chỉ sở hữu một vài khách sạn nhưng đều mang những thương hiệu khác nhau. Từ năm 2005, công ty bắt đầu tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Hiện nay, Starwood đã sở hữu một loạt các thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Westin, Sheraton, the Luxury Collection, W Hotels, St. Regis…Starwood là một trong những tập đoàn khách sạn sang trọng bậc nhất với hơn 154.000 nhân viên hiện đang làm việc tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Starwood có trên 60.000 nhân viên, trong đó hơn 8.000 nhân viên đang làm việc tại Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.



Các khách sạn hàng đầu thuộc Starwood - Ảnh: traveldailynews.asia

Sơ lược quá trình phát triển của Starwood:

Năm 1991, công ty thu mua bất động sản Starwood Capital Partners được thành lập ở Chicago.

Năm 1993, Starwood Capital mua những khách sạn đầu tiên và trước năm 1994 đã bắt đầu thu lợi tức từ hơn 30 khối tài sản khác nhau.

Năm 1995, Starwood Capital đổi tên thành Starwood Lodging.

Tháng 09/1997, Starwood Lodging công bố một thỏa thuận sẽ mua lại Westin Hotels & Resorts với giá 1,8 tỷ USD, tiếp theo là mua ITT Sheraton với giá 14,3 tỷ USD. Các nhà hoạch định chiến lược muốn Starwood trở thành một doanh nghiệp có quy mô toàn cầu. Cổ phiếu của Starwood cũng đã tăng 57,48% vào cuối năm.

Tháng 01/1998, Starwood Lodging hoàn thành việc mua lại Westin Hotels & Resorts và đổi tên thành Starwood Hotels & Resorts. Tiếp theo vào tháng 02, Starwood hoàn tất việc mua lại ITT Sheraton.

Năm 1999, Starwood đã mua lại công ty du lịch Vistana để đánh dấu sự hiện diện của mình trong ngành công nghiệp mới mẻ này và sau đó trở thành Starwood Vacation Ownership, một trong những phân khúc có lợi nhuận nhất của Starwood.

Năm 2001, Starwood được bình chọn là Tập đoàn khách sạn hàng đầu của thế giới tại giải thưởng World Travel Awards lần thứ 8, một trong những danh hiệu uy tín nhất trong ngành công nghiệp du lịch.

Năm 2003, Starwood Sheraton Hotels & Resorts giới thiệu phân khúc khách sạn cao cấp.

Năm 2005 là năm thứ 6 liên tiếp chương trình Khách hàng thân thiết của Starwood (Starwood Preferred Guest) được bình chọn chương trình của năm ở Mỹ và quốc tế tại giải thưởng thường niên Freddie lần thứ 17.

Năm 2006, Starwood mua lại Le Meridien, một thương hiệu được tạo ra để chia sẻ và mở rộng kinh nghiệm quốc tế với phần lớn là khách hàng ở châu Âu và Trung Đông.

Năm 2007, Starwood thông báo sẽ ra mắt thương hiệu mới rất được mong đợi là khách sạn Aloft và khách sạn Element.

Năm 2008, khách sạn Aloft và Element đầu tiên được khánh thành ở Lexington, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Năm 2009, Starwood đầu tư 6 tỷ USD để nâng cấp hệ thống khách sạn Sheraton.

Năm 2010, Starwood đánh dấu cột mốc quan trọng với việc mở cửa khách sạn thứ 1.000 là Sheraton Qiandao Lake Resort ở Trung Quốc.

Tháng 04/2011, Starwood trở thành đối tác đầu tiên tham gia chương trình "Clean the World", cam kết bảo vệ môi trường. Tháng 12/2011, Starwood công bố mua lại 49,8% cổ phần của khách sạn AG thuộc công ty Arabella Hospitality SE, một trong những đối tác lâu năm của Starwood tại Đức.

Năm 2012, chương trình Khách hàng thân thiết của Starwood ra mắt các lợi ích du lịch lớn nhất trong lịch sử dành cho du khách.



Khách sạn 5 sao Sheraton Macao - Ảnh: hotelchatter.com

Ngày 20/9/2012, tập đoàn Starwood đã khai trương và đưa vào hoạt động khách sạn 5 sao lớn nhất thế giới mang thương hiệu Sheraton tại Macao. Đây là tòa tháp đầu tiên (1.829 phòng) trong số hai tháp khách sạn với tên gọi Sheraton Macao Hotel có quy mô tổng cộng gần 4.000 phòng. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố sự kiện này, ông Sheldon Adelson - Chủ tịch tập đoàn Las Vegas Sands và Sands China Ltd. - cho biết: "Đây là dấu mốc mới nhất trong chiến lược của Sands China nhằm thúc đẩy để xây dựng Macao thành một điểm giải trí và kinh doanh hàng đầu châu Á. Việc khai trương sẽ mang đến nhiều lựa chọn tại Cotai Central với các dịch vụ hội nghị, hội họp, game, bán lẻ, giải trí, ăn tối và phòng nghỉ bổ sung". Ông Frits van Paasschen - Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Starwood - cho biết: "Tập đoàn hiện đang vận hành 95 khách sạn Sheraton tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dự kiến ​​sẽ đạt gần 150 khách sạn vào năm 2016".

Với sự phát triển vượt bậc và đầy ấn tượng của các thương hiệu khách sạn nổi tiếng, theo kế hoạch tập đoàn Starwood sẽ có 400 khách sạn và mang đến 90.000 việc làm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2016. Tại Việt Nam, Starwood đã hiện diện với chuỗi khách sạn được mang tên Sheraton ở Hà Nội, Nha Trang, Tp.HCM và những khách sạn khác của Starwood đang được đầu tư ở các tỉnh ven biển miền Trung. Tại Hội thảo về chiến lược đầu tư khách sạn do Công ty CBRE Việt Nam tổ chức ngày 27/09/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Robert McIntosh - Giám đốc Điều hành CBRE Hotels Châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng tiềm năng đầu tư vào khách sạn tại Việt Nam là khá cao, đặc biệt dành cho các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự tăng trưởng dài hạn. Theo ông Robert McIntosh, phân khúc khách sạn đã hồi phục rất nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính với đa số các thành phố ở châu Á, mức tăng trưởng doanh thu trên số lượng phòng có sẵn đạt ít nhất 20% so với trước cuộc khủng hoảng.



Khách sạn Sheraton tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: asialifemagazine.com

Tại Việt Nam, mặc dù thị trường bất động sản đang chững lại, phân khúc khách sạn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Trong năm 2011, tại hai thành phố này đã có sự tăng trưởng ít nhất từ 5 - 10% về công suất phòng so với năm 2010, tương đương mức tăng 15 - 20% so với mức thấp điểm trong năm 2009. Cũng theo CBRE, trong 3 năm gần đây VN đã cải thiện rất tốt về nhu cầu khách du lịch nội địa, mức tăng trưởng trung bình từ 7 - 8%/năm, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế. Nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng, dù còn khá chậm ở 3 năm gần đây (mức tăng lần lượt 19,1% trong năm 2011, 13,9% năm 2012 và 11% trong năm 2013). Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy sự tăng trưởng rất tích cực với mức tăng trên 26%. Số liệu thống kê của CBRE cho thấy, nếu nhìn vào tỷ lệ lấp đầy hiện nay thì Hà Nội và Tp.HCM ở mức trung bình 68%, bắt đầu vượt Bangkok. Một điểm đáng lưu ý về thị trường khách sạn, resort tại Việt Nam được CBRE cập nhật đó là hiện tượng Đà Nẵng. Qua những số liệu cho thấy, Đà Nẵng đang tăng trưởng mạnh về mọi mặt cả doanh số, khách du lịch cho tới công suất thuê phòng. Tỷ lệ lấp đầy khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng 3 năm gần đây tăng gấp 2 lần từ khoảng 35% lên 60%, trong khi ở HN, Tp.HCM và Nha Trang luôn duy trì ở mức từ 60 - 65%. Đối với khách sạn 4 sao tỷ lệ lấp đầy cũng tăng mạnh từ khoảng 50% lên 70%.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

------------------------------
Các nguồn tham khảo:
- starwoodhotels.com
- webcrawler.com
- CNN
- Newsweek
- citinews.net

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán