Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

TP.HCM đánh giá lĩnh vực lao động - việc làm qua tác động của dịch COVID-19

Tình hình dịch bệnh virus Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như tác động đến lực lượng lao động tại thành phố.

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực kinh tế đều bị tác động bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó, người lao động làm việc trong các khu vực này cũng có nguy cơ mất thu nhập, thiếu việc làm, tạm hoãn hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Từ tháng 2 năm 2020 trở đi, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh cũng chịu sự tác động không nhỏ đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Theo kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động tại 273 doanh nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp cố gắng, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng có đến 73,6% doanh nghiệp được khảo sát nhận định gặp khó khăn trong hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặt biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các ngành chịu ảnh hưởng nhiều là chế biến chế tạo (tập trung ở lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất da; sản xuất các sản phẩm từ kim loại; sản xuất thiết bị điện); xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ du lịch; giáo dục và đào tạo; kinh doanh bất động sản;...

Những khó khăn tại thời điểm dịch bệnh diễn ra mà doanh nghiệp được khảo sát nhận định là: (i) Khó khăn trong tìm kiếm khách hàng là cao nhất với 39,44% doanh nghiệp có ý kiến, tập trung các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; du lịch; dệt may – giày da; tư vấn quản lý; kiến trúc – xây dựng; sản xuất hóa chất, dầu khí…; (ii) kế đến là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm với 22,89% doanh nghiệp có ý kiến do thị trường hàng hoá trong và ngoài nước có sự thay đổi (tạm ngừng thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đi các nước, người dân trong nước cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm chi phí, hoạt động vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn; (iii) nhận định khó khăn trong thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 18,31%, bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may – giày da; y tế - chăm sóc sức khỏe; sản xuất các thiết bị điện, điện tử; xây dựng; kinh doanh mặt hàng đồ dùng gia đình, cá nhân;… và khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là 7,75%. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực sau bị ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống; sửa chữa máy móc, thiết bị; dịch vụ vận tãi – kho bãi – dịch vụ cảng; logistic; dịch vụ công ích; giáo dục và đào tạo (trong đó có các cơ sở tư thục); dệt may – giày da; kiến trúc - xây dựng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; kinh doanh bất động sản; sản xuất ô tô; sản xuất nội, ngoại thất và hàng thủ công mỹ nghệ; kinh doanh mặt hàng đồ dùng gia đình, cá nhân;…

TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM

Với kết quả khảo sát đã thực hiện, có 74,62% doanh nghiệp trả lời tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đến thời điểm tháng 3/2020, một số ít chọn phương án giảm giờ làm (giảm tăng ca) nhằm giữ chân người lao động khi tình hình dịch bệnh chấm dứt để không thiếu hụt nhân lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, có 21,59% doanh nghiệp trả lời sẽ dự kiến cắt giảm lao động khi hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 trong những tháng tới. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc (45,61%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương (28,07%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (19,30%), cho lao động thôi việc (5,26%) và một số ít (1,76%) doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương, cắt giảm một số khoản chi chưa cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí.

Tính đến ngày 14/4/2020, theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 101.982 lao động đang làm việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đề xuất UBND.TP xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27/3/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố. Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng thống kê được 20.710 người bán vé số gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần phải quan tâm chăm lo.

Nhận định chung

Phần lớn các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất – kinh doanh và tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất, dự kiến nhu cầu nhân lực sẽ giảm trong quý II/2020 nếu tình hình dịch bệnh kéo dài cũng như thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu sản xuất, nguồn khách hàng tiêu thụ giảm. Trong trường hợp phải cắt giảm lao động, hầu hết các doanh nghiệp chọn phương án thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi diễn biến dịch bệnh giảm. Khi tình hình dịch bệnh xảy ra, chúng ta nhận thấy những điểm hạn chế của doanh nghiệp trong việc phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu của Trung Quốc, hay khách hàng tiêu thụ sản phẩm của Mỹ - EU hoặc việc tạm ngừng cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm. Chú trọng nhu cầu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, thương mai điện tử, dịch vụ giao nhận hàng hóa, chế biến nông nghiệp, thủy sản và lương thực thực phẩm.

- Hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xoá đói giảm nghèo, Tổ chức tài chính vi mô CEP… để chuyển đổi công việc, học tập nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm…

- Hỗ trợ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khi người lao động đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Nhóm tác giả Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán