Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

World Cup 2014 & Các chỉ số kinh tế

World Cup 2014 đánh dấu một bước phát triển lớn của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) về phương diện tài chính với lợi nhuận ước tính là 4 tỷ USD, trong đó bao gồm nhiều khoản tài trợ, truyền hình, tiền vé, bán quyền thương hiệu quảng cáo, dịch vụ, hàng lưu niệm... Đáng chú ý, hầu hết các khoản thu nhập kể trên của FIFA đều được Brazil miễn thuế, bởi đó là một điều kiện để được trao vai trò chủ nhà. Nếu như World Cup 2010 mang lại doanh thu 3 tỷ USD cho FIFA, thì Nam Phi phải bỏ ra đến 4 tỷ USD. Nhưng theo ông Nhlanhla Musa Nene - Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, một thành viên của Ban tổ chức World Cup 2010 - cho biết: "World Cup cũng đã giúp cải thiện hình ảnh của Nam Phi trên bình diện quốc tế bởi vì di sản của World Cup chính là sự cải thiện hạ tầng giao thông và mạng lưới khách sạn". Trên thực tế, ngành du lịch Nam Phi đã được hưởng lợi từ sự kiện World Cup. Số lượng khách du lịch nước ngoài tới Nam Phi không ngừng tăng. Theo công bố ngày 20/05/2014 của Bộ Du lịch Nam Phi, số lượng du khách quốc tế đến nước này trong năm 2013 là trên 9,6 triệu lượt so với 9,2 triệu lượt năm 2012.



Vấn đề kinh tế hậu World Cup là điều luôn được chú ý - Ảnh: citinews.net

Mặc dù chi tới 350 triệu USD cho số tiền thưởng kỷ lục tại World Cup 2014, nhưng đây lại là con số rất nhỏ so với 4 tỷ USD mà FIFA đã thu về tính đến thời điểm hiện tại. Doanh thu của FIFA không song hành với Brazil khi chi phí tổ chức World Cup 2014 mà nước này bỏ ra đã lên đến con số 14 tỷ USD. Điều đó gây nên tình trạng bất ổn tại Brazil suốt năm qua, đặc biệt là các cuộc biểu tình quy mô toàn quốc trong suốt Confederations Cup 2013. Nếu Brazil vô địch thì cũng chỉ nhận được 35 triệu USD tiền thưởng, 323 triệu USD còn lại từ quỹ giải thưởng của FIFA sẽ được trao cho 31 đội tham dự World Cup.



Kinh phí của nước chủ nhà Brazil- Ảnh: citinews.net

Ngoài doanh thu từ tiền bán vé thì tiền bản quyền truyền hình và tài trợ vẫn là nguồn thu chính của FIFA. Các hãng truyền hình châu Âu đóng góp 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, 6 đối tác tài trợ chính là Adidas, Coca-Cola, Emirates, Hyundai, Sony, Visa mỗi năm đóng góp cho FIFA 177,125 triệu USD. Bên cạnh đó, 8 nhà tài trợ hạng nhì là Budweiser, Castrol, Continental, Johnson&Johnson, McDonalds, Moy Park, Oi và Yingli cũng góp cho FIFA tổng cộng 524 triệu USD. Doanh thu của FIFA sẽ lớn hơn trong hai kỳ World Cup tới khi bản hợp đồng truyền hình với Fox và Al-Jazeera có hiệu lực. Cộng thêm những lần gia hạn hợp đồng với các đối tác khác, doanh thu của FIFA dự đoán sẽ tăng lên trên 5 tỷ USD khi World Cup 2018 được tổ chức tại Nga diễn ra.

Pepsi và Coca-Cola luôn cạnh tranh cơ hội quảng bá thương hiệu của mình tại World Cup. Ngoài số tiền tài trợ cho World Cup 2014, Coca-Cola còn sẵn sàng chi 1 tỷ USD vào quảng cáo. Tháng 02/2014, FIFA đã công bố chọn Aquarius của Coca-Cola là nước uống thể thao chính thức cho Vòng chung kết World Cup 2014. Tour du lịch "Biểu tượng hạnh phúc" tại 95 thành phố trên 86 quốc gia để quảng bá hình ảnh của Coca-Cola cũng đã đến Brazil. Pepsi cũng nhanh chóng tận dụng dàn đại sứ thương hiệu đông đảo gồm 19 siêu sao bóng đá vào chiến dịch tiếp thị chính thức tại World Cup 2014 để thách thức đối thủ. Dù không phải là nhà tài trợ chính thức của World Cup 2014 nhưng Pepsi vẫn tự tin cạnh tranh cùng Coca-Cola trong các chiến dịch quảng cáo. Chiến dịch quảng cáo tại World Cup 2014 của hai tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới này sẽ đem lại số tiền khổng lồ cho FIFA và các hãng truyền thông.



Kinh phí của các đối tác tài trợ - Ảnh: citinews.net

World Cup cũng là sự kiện thể thao lớn cả về quy mô và tiếp thị. Các thương hiệu đang làm mọi cách để sản phẩm của mình đến tay hàng trăm triệu người hâm mộ bóng đá toàn cầu, lớn nhất có lẽ là cuộc đối đầu giữa Nike và Adidas - nhà sản xuất quả bóng Brazuca cho giải đấu. Như ông Tom Ramsden - Giám đốc tiếp thị thương hiệu toàn cầu của Adidas - nói: “Quảng cáo cho thấy quan điểm của chiến dịch là đưa ra những cống hiến và cam kết cần thiết để giành chiến thắng trong một giải đấu lớn. Nếu không dồn mọi nỗ lực, sẽ không giành được chiến thắng. Adidas tin rằng cách duy nhất để chơi thể thao, khai mở tiềm năng của bạn là “tất cả phải hội tụ”. Adidas nhắm đến mục tiêu thu về 2 tỷ euro cho mùa World Cup 2014 để bù cho doanh thu bị sụt giảm trên các thị trường trọng điểm. Adidas chắc chắn được củng cố khi tên và logo của họ liên tục xuất hiện trên các bảng quảng cáo và sân vận động khắp cả nước.

Nike cũng nhanh chóng bắt kịp Adidas trên thị trường thiết bị bóng đá mặc dù World Cup chỉ đến Mỹ một lần vào năm 1994. Theo Bloomberg Businessweek, xét về tổng thể thì Nike phát triển vượt xa các công ty của Đức, nhưng Adidas vẫn dẫn đầu trong môn thể thao vua, mang về doanh thu 2,4 tỉ USD trong năm 2013 so với 1,9 tỉ USD của Nike.

Các nhà tài trợ chính thức khác của World Cup 2014 như Emirates, Sony, Hyundai, Visa, Budweiser, Castrol, McDonalds…cũng đang chạy đua nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp trong thời gian diễn ra World Cup. Các thương hiệu cũng đã bỏ ra khoản kinh phí khá lớn cho FIFA để trở thành nhà tài trợ chính thức, tuy nhiên số tiền thu lại từ việc kinh doanh sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.



Thu nhập của nước chủ nhà từ World Cup - Ảnh: citinews.net

Kinh tế khủng hoảng khiến nhiều quốc gia không còn nhiệt tình hưởng ứng với những sự kiện thể thao lớn của thế giới. Người dân Brazil xuống đường phản đối cho một kỳ World Cup tốn kém nhất trong lịch sử. Theo báo cáo của Moody's Investors Service, sự nghi ngờ của người dân Brazil về lợi ích kinh tế của việc tổ chức World Cup là có cơ sở. Một thời là nền kinh tế mới nổi khởi sắc nhất, tăng trưởng kinh tế Brazil đã sụt giảm liên tục trong những quý gần đây. Chỉ số thị trường chứng khoán Bovespa của Brazil đã trượt hơn 7% trong năm ngoái, tụt nhanh hơn chỉ số chứng khoán trung bình của các nền kinh tế mới nổi. Để đầu tư cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, Brazil đã chi khoảng 11,5 tỷ USD vào xây dựng sân vận động, đường xá và sân bay. Bù lại những khoản chi kếch xù ấy, giới chính khách hứa hẹn sự kiện sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn và một cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

-----------------------------
Các nguồn tham khảo:
- CNN
- Newsweek
- Báo thể thao

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán