Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Thiên tài người Ý - Leonardo da Vinci

Leonardo da Vinci là một thiên tài trong nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, khoa học… Tài năng của ông được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực hội họa với những kiệt tác như “Bữa ăn tối cuối cùng”, “Mona Lisa” với nụ cười bí ẩn…



Chân dung học sĩ Leonardo da Vinci - Ảnh: plus.google.com

Leonardo da Vinci tên đầy đủ là Leonardo di ser Piero da Vinci, sinh ngày 15/04/1452 tại thị trấn Vinci  vùng Tuscan, thuộc thung lũng hạ lưu sông Arno. Ông sống cùng cha là công chứng viên Ser Piero. Ngay từ nhỏ, Leonardo da Vinci đã yêu thích âm nhạc, vẽ và tạo hình. Có một lần, cha của Leonardo mang những bức vẽ của con trai tới nhà người bạn thân là Andrea del Verrocchio - họa sĩ nổi danh ở Florence thời bấy giờ. Verrocchio đã rất kinh ngạc về tài năng thiên bẩm của Leonardo da Vinci và quyết định trở thành thầy của Leonardo.

Từ năm 1470 - 1477, Leonardo làm việc tại xưởng vẽ của thầy. Trong bức tranh “The Baptism of Chirst”, chính Leonardo là người đã vẽ hình thiên thần trẻ quỳ bên dưới giữ áo choàng cho chúa Jesus. Điều này khiến Verrocchio nhận ra rằng tài năng của Leonardo đã vượt xa ông. Và kể từ đó, Verrocchio đã không vẽ thêm một lần nào nữa.



Bức tranh “The Baptism of Chirst”- Ảnh: wikipedia.org

Năm 1472, ông được ghi nhận là một bậc thầy tài năng trong Guild of St Luke - một phường hội họa và y sỹ uy tín. Từ năm 1482, Leonardo da Vinci bắt đầu làm việc như một họa sĩ độc lập và chuyển đến Milano để thực hiện tượng đài kỵ sĩ theo mong muốn của công tước Ludovico Sforza. Bức tượng kỵ sĩ cao 7 mét được hoàn thành vào cuối năm 1493.

Trong khoảng thời gian từ 1495 - 1497, Leonardo vẽ một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của ông, bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie theo yêu cầu của Ludovico Sforza. Năm 1980 nhà thờ cùng với bức tranh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Tháng 12/1499, Leonardo rời thành phố Milano đến Firenze. Năm 1500, Leonardo được các thầy tu dòng Servite ở nhà thờ Santissima Annunziata, Florence cấp cho một xưởng làm việc riêng. Năm 1502, với tư cách là một kỹ sư và kiến trúc sư phục vụ Cesare Borgia (con trai Giáo hoàng Alexander VI), Leonardo đã đi khắp nước Ý. Sau khi vẽ tấm bản đồ gây ấn tượng của Imola, Leonardo được thuê làm kỹ sư trưởng về quân sự của Cesare. 

Ngày 18/10/1503, Leonardo da Vinci gia nhập Hội đoàn Thánh Luke. Trong 2 năm tiếp theo, ông thiết kế và vẽ bức tranh tường về trận đánh ở Anghiari.

Từ năm 1503 đến khoảng năm 1507, Leonardo hoàn thành bức họa “Mona Lisa” (hay còn gọi là “La Gioconda”). Bức tranh được phỏng đoán là bức chân dung của Lisa del Giocondo, vợ của một người buôn bán tơ lụa tại Firenze. Đôi mắt và nụ cười của nàng Mona Lisa tạo ra một sự bí ẩn, cuốn hút kì lạ. Những cái bóng ở khóe miệng và mắt là lý do khiến chúng hấp dẫn. Cho đến ngày nay chưa một ai có thể sao chép lại được nụ cười trong bức tranh này.



Kiệt tác Mona Lisa - Ảnh: wikipedia.org

Leonardo da Vinci mất ngày 02/05/1519 tại Amboise, Pháp. Trong cuộc đời của mình, Leonardo Da Vinci còn là chủ nhân của nhiều phát minh và ý tưởng khoa học đi trước thời đại, điển hình như:

Thiết bị lặn

Là người căm ghét chiến tranh song để bảo vệ mảnh đất đang sinh sống, ông đã không ít lần phải chế tạo ra những cỗ máy chiến đấu hay quân trang để đánh bại quân thù. Bộ đồ lặn đầu tiên trong lịch sử đã ra đời trong hoàn cảnh đó, giúp các binh sĩ chiến đấu dưới nước. Dụng cụ bao gồm một mặt nạ có kính thủy tinh giúp người lặn có thể nhìn rõ mọi vật dưới nước cùng quần áo làm từ da thuộc. Mặt nạ này có ống thở nối tới một chiếc bình hoặc túi chứa đầy không khí, có gắn chuông báo hiệu.

Máy bay, tàu lượn

Trong cuốn sổ ghi chép của mình, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu những cỗ máy giúp con người bay lượn được như chim trên trời. Một trong số đó đã thành công khi Leonardo chính là người phát minh ra dù tam giác, tiền thân của những chiếc dù thời hiện đại.

Robot hiệp sĩ

Leonardo bị ám ảnh đặc biệt với cơ thể người. Trong sự nghiệp của mình, ông nhiều lần tiến hành giải phẫu, mổ xẻ các bộ phận cơ quan để tìm hiểu cơ chế vận động của cơ thể. Kết quả ông đã chế tạo ra một robot thô sơ có thể đi lại, ngồi xuống và sử dụng cả cơ hàm nhờ thiết kế chủ yếu bằng ròng rọc.

Thùy Giang
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán