Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Định hướng phát triển của Dubai

Số liệu việc làm cùng thu nhập bình quân đầu người tăng và đa dạng hóa chiến lược thị trường khiến Dubai trở thành một trong những nền kinh tế đô thị hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2017. Sự tự do kinh tế và chính sách chiến lược phù hợp, cơ sở hạ tầng được hiện đại hóa nhanh chóng đã biến Dubai thành một nơi thịnh vượng và ổn định. Trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2016-2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp hạng UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đứng thứ 16 trong số 138 nền kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo chính phủ các nước trên thế giới 2017 tổ chức tại UAE, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã ca ngợi các nhà lãnh đạo tài chính của Emirates về chính sách tài khóa lành mạnh và nhấn mạnh mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực giữa UAE và IMF.



Năm 2017, Dubai trở thành một đô thị công nghệ với các dự án cơ sở hạ tầng đô thị khổng lồ và lực lượng lao động được toàn cầu hóa, một thị trường lớn mạnh của sự giàu có với đa dạng doanh thu trải khắp từ thương mại bán buôn và bán lẻ, vận tải, truyền thông, sản xuất, nông nghiệp, bất động sản, xây dựng và du lịch… Chính những lĩnh vực này đã đẩy tốc độ tăng trưởng hàng năm của Dubai lên hàng đầu khu vực Trung Đông trong những năm gần đây và đưa Dubai trở thành trung tâm của nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu. Nằm ở ngã tư châu Á, châu Phi và châu Âu, Dubai đã trở thành thị trường hàng hóa và là điểm đến của đầu tư và du lịch. Tận dụng vị trí chiến lược này, Dubai được đánh giá cao bởi cách tiếp cận mở đối với nhập cư và đầu tư nước ngoài, đầu tư công nghệ mới giữ gìn văn hóa truyền thống, và bởi sự tôn trọng dành cho nền kinh tế tri thức. Cơ sở hạ tầng của Dubai hiện đại, các tòa nhà chọc trời, bệnh viện và đường cao tốc được đánh giá là ấn tượng nhất thế giới, cụ thể như cảng nhân tạo lớn nhất thế giới (Port of Jebel Ali) với các nhà ga bận rộn nhất cùng các chuỗi cung ứng lớn của thương mại toàn cầu giao nhau đã biến Dubai trở thành một trung tâm thương mại lớn giữa Đông và Tây.

Tăng trưởng kinh tế và khả năng tiếp thu các nền văn hóa khác nhau đã tiếp nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh mới và thu hút đầu tư vào Dubai. Hợp nhất các ý tưởng chiến lược về phát triển kinh tế, tạo ra “Khu tự do”, nhóm doanh nhân cùng ngành ở cùng một địa điểm, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân… Dubai đã có những kế hoạch chiến lược đầy tham vọng cho năm 2021. Các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đầy đủ các đặc quyền như ưu đãi thuế, quyền “hồi hương” đầy đủ cho vốn và lợi nhuận, không có thuế thu nhập cá nhân. Sự hấp dẫn của đề xuất này đã dẫn đến một loạt các hoạt động công nghiệp hiện đại và đổi mới từ CNTT, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu dược phẩm, chất bán dẫn, công nghiệp cho đến truyền thông và tài chính…. Những ví dụ điển hình như khu tự do Jebel Ali Free Zone với 7.100 công ty quốc tế; Trung tâm tài chính quốc tế Dubai là trung tâm dịch vụ tài chính toàn cầu hàng đầu ở Trung Đông, Châu Phi và Nam Á; Dubai Silicon Oasis là tổ hợp các công ty CNTT lớn của thế giới. Thành công kinh tế của Dubai tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Dubai là nhân tố chủ chốt trong thương mại và tài chính toàn cầu, là trung tâm đổi mới cho các doanh nhân.

Dubai có Công viên Tri thức Dubai (Dubai Knowledge Park - DKP), là một trong số những khu vực của công ty con thuộc TECOM Investments, cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo và hỗ trợ học tập dành riêng cho quản lý nguồn nhân lực, tư vấn và phát triển cá nhân. Là một khu kinh tế tự do, DKP cung cấp 100% sở hữu nước ngoài, 100% miễn thuế, 100% hồi hương tài sản và lợi nhuận, thủ tục cấp visa dễ dàng. Hơn 400 cơ sở của DKP bao gồm các trung tâm đào tạo, trung tâm chuyên nghiệp và các công ty nhân sự.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành và lĩnh vực quan trọng, cũng như các liên kết cung ứng những cộng đồng toàn cầu, Dubai cũng đang tạo điều kiện cho việc thành lập các hiệp hội và tổ chức thương mại phi lợi nhuận, phi chính trị và phi tôn giáo. Được thành lập vào năm 2014, Trung tâm Hiệp hội Dubai (www.dubaichamber.com) đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp toàn cầu mở rộng trong các ngành công nghiệp khắp Trung Đông.

Trên nhiều lĩnh vực, Dubai tiếp tục tạo nền tảng cho sự đổi mới, hỗ trợ các chương trình R&D (nghiên cứu và phát triển) nhằm khai thác kiến thức và chuyên môn cao từ các tập đoàn tiên tiến trên khắp thế giới để thử nghiệm thương mại, sản phẩm và dịch vụ thế hệ tiếp theo. Trong lĩnh vực y học, Dubai Healthcare City với tầm nhìn là trở thành địa điểm được quốc tế công nhận về chăm sóc sức khỏe chất lượng và trung tâm tích hợp xuất sắc cho các dịch vụ lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, đào tạo và nghiên cứu y khoa.



Sân bay quốc tế Dubai

Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe Mohammed Bin Rashid - một trung tâm đào tạo và chăm sóc sức khỏe - trên nền tảng tích hợp hỗ trợ đào tạo y tế, nghiên cứu và thực hành lâm sàng với mục đích trở thành một trung tâm y học hàng đầu về khoa học sức khỏe. Trường được công nhận trên toàn cầu, bao gồm Quỹ nghiên cứu y tế Dubai Harvard và Al Jalila Foundation (tổ chức từ thiện toàn cầu thông qua giáo dục và nghiên cứu y tế được thành lập bởi Hoàng thân Sheikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum). Trong lĩnh vực công nghệ, Dubai Internet City đang cung cấp một nền tảng cho các doanh nghiệp trong tương lai. Các Innovation Hub đang được xây dựng với diện tích khoảng 1,6 triệu feet vuông không gian làm việc, phục vụ cho doanh nghiệp trong nước và đa quốc gia khởi nghiệp. Dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2019 và dự kiến sẽ có một lực lượng lao động khoảng 15.000 công ty thuộc mọi quy mô đến làm việc tại đây. Trước đó, một cơ sở đã được thành lập tại Dubai để dành riêng cho việc tìm kiếm và nuôi dưỡng những ý tưởng sẽ định hình tương lai của CNTT, truyền thông kỹ thuật số, di động, thành phố thông minh và nền nông nghiệp hiện đại.

Hội chợ triển lãm thế giới “Expo 2020 Dubai” sẽ tập trung về kiến thức và sự đổi mới, một phần cốt lõi trong kế hoạch thiết lập các trung tâm R&D và các cơ sở nghiên cứu.

Được thành lập ngay trung tâm thành phố, Công viên Khoa học Dubai phục vụ tất cả các ngành khoa học, hỗ trợ các doanh nhân khoa học, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp đa quốc gia. Công viên Khoa học Dubai cung cấp miễn phí không gian văn phòng và phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng, hệ thống sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển.

Để hỗ trợ ngành công nghiệp thời trang, Cơ quan Cụm Sáng tạo Dubai (Dubai Creative Clusters Authority - DCCA) thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo ở Dubai và thu hút các công ty sáng tạo thành lập và trú đóng tại quốc gia của mình. Cộng đồng Sáng tạo nằm trong Khu Thiết kế Dubai (Dubai Design District) sẽ thiết lập khoảng 1 triệu feet vuông cho không gian làm việc, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phục vụ như một vườn ươm trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật…

Theo Báo cáo di cư thế giới 2018, Dubai giữ danh hiệu là thành phố quốc tế nhất thế giới. Dubai không chỉ là nơi để kinh doanh mà còn để chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm, cảm hứng trong một môi trường cung cấp các cơ hội duy nhất để tạo ra các di sản lâu dài. Thành phố đã nổi lên như một trung tâm toàn cầu về dịch vụ tài chính, hậu cần, khách sạn, thương mại và đang phát triển không ngừng trong các lĩnh vực khác bao gồm chăm sóc sức khỏe, công nghệ và năng lượng sạch, nuôi dưỡng nền tảng kiến thức đa dạng, các chuyên gia được đào tạo hàng đầu làm việc nhằm biến nơi này trở thành một địa điểm lý tưởng. Nền kinh tế của Dubai đã đa dạng hóa rất nhiều và không còn phụ thuộc vào dầu mỏ, thay vào đó mở rộng sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tài chính, nông nghiệp… Trong thập kỷ qua, nền kinh tế của Dubai đã thay đổi và phát triển trong nhiều lĩnh vực và được hỗ trợ bởi chính phủ, cải thiện tính minh bạch thương mại và đưa ra các quy định năng động, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dubai có nền kinh tế mở, thu nhập bình quân đầu người cao với thặng dư thương mại hàng năm khá lớn. Đa dạng hóa kinh tế đã làm giảm đáng kể tỷ lệ GDP ở Dubai dựa trên sản lượng dầu và khí đốt xuống dưới 5%. GDP của UAE (tăng 3,1% trong năm 2017 và 1,94 % năm 2018 và dự kiến tăng 3,5% trong năm 2019) duy trì vị thế là nền kinh tế Ả Rập lớn thứ hai sau Ả Rập Saudi. Là trung tâm kinh tế, thương mại và tài chính hàng đầu của Trung Đông, Dubai đã tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông chiến lược để hỗ trợ các ngành dịch vụ đang phát triển và đảm bảo một tương lai kinh tế ổn định. Sự phát triển của Dubai sẽ được khẳng định khi tổ chức World Expo vào năm 2020. Với chủ đề “Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai”, World Expo 2020 được tổ chức nhằm thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và sẽ cung cấp một nền tảng để thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và hợp tác.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán