Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Những bất đồng giữa Châu Âu & Trung Quốc

EU và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán cho thỏa thuận về đầu tư toàn diện từ năm 2013. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các vấn đề về tiếp cận thị trường, thiết lập một khuôn khổ để bảo vệ các nhà đầu tư, các tiêu chuẩn lao động và môi trường đầu tư… Mặc dù các cuộc đàm phán cơ bản đã đạt được vào tháng 7/2019 khi hai bên đưa ra các đề nghị tiếp cận thị trường, nhưng các cuộc thảo luận sau đó đã bị đình trệ do hai bên chưa thống nhất các yêu cầu của mỗi bên. Trong khi Bắc Kinh đang tập trung vào việc làm dịu căng thẳng thương mại với Washington thì EU cũng đang cố duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.



Trong ngắn hạn thì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang mang lại lợi ích cho các nước Châu Âu. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development - UNCTAD) có trụ sở tại Geneva, EU được hưởng lợi từ việc Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc có trị giá 250 tỷ USD trong năm 2018. Các mặt hàng như ô tô, máy móc, hóa chất, thực phẩm... của Châu Âu được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc - Mats Harborn tin rằng, bất kỳ sự leo thang nào của Mỹ - Trung sẽ có tác động đến kinh tế vĩ mô và làm tổn thương các doanh nghiệp Châu Âu.

Mỹ muốn Trung Quốc cam kết thực hiện một số cải cách kinh tế thông qua các cuộc đàm phán song phương, và sử dụng thuế quan như 'đòn bẩy' để đưa Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán, bao gồm các rào cản tiếp cận thị trường, cấp giấy phép cho các công ty quốc tế, đối xử khác biệt trong các lĩnh vực được các doanh nghiệp nhà nước độc quyền và sở hữu trí tuệ. Châu Âu chia sẻ sự thất vọng của Mỹ và muốn được giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đối với EU, câu hỏi đặt ra là mất bao lâu để Trung Quốc thay đổi quan điểm này mà không đi đến một cuộc xung đột về thương mại. EU lo ngại bởi sự tiến triển chậm chạp trong các cuộc đàm phán đầu tư song phương giữa EU và Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế hiện nay.



Các doanh nghiệp Châu Âu đang đối mặt với một loạt thách thức mới trên thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đang trở thành một nền kinh tế dựa trên người tiêu dùng ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi năng lực hành chính phức tạp trong việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường phù hợp. Thực tế, các doanh nghiệp EU phải đối mặt với các quyết định phức tạp và mâu thuẫn của chính quyền Trung Quốc. Các mối quan tâm như thủ tục hành chính kéo dài, hệ thống mua sắm không minh bạch, thực thi các quy định khó lường do phối hợp liên chính phủ kém làm giảm cơ hội cho các nhà đầu tư Châu Âu và làm giảm niềm tin vào thị trường Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc muốn có một tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện một số mục tiêu cùng một lúc, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp EU. Vì vậy, EU cần Trung Quốc có hệ thống hơn trong các vấn đề quy định và thiết lập tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, kỹ thuật số và y tế…

Theo CNN Business, Hội nghị thường niên giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc sẽ phơi bày những vết nứt trong mối quan hệ thương mại quan trọng nhất của thế giới. Các nhà lãnh đạo của Châu Âu đang ngày càng cảnh giác với thương hiệu chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trung Quốc, và EU đang đáp trả những rào cản mới để làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trong tháng 3/2019, Ủy ban Châu Âu cho rằng Trung Quốc không còn được coi là một quốc gia đang phát triển mà là một "đối thủ mang tính hệ thống". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Trung Quốc đã cố gắng chia rẽ khối liên minh và tuyên bố rằng "thời kỳ ngây thơ Châu Âu đã kết thúc".

Thương mại hàng hóa giữa Liên minh Châu Âu và Trung Quốc có trị giá khoảng 575 tỷ euro (650 tỷ USD) trong năm 2017. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Liên minh Châu Âu đã giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 17,3 tỷ euro (19,5 tỷ USD) trong năm 2018, trong khi đạt 37,2 tỷ euro (42 tỷ USD) trong năm 2016. Sự sụt giảm xảy ra khi một số nền kinh tế lớn nhất của EU cập nhật các quy tắc về việc tiếp quản công ty đầu tư từ Trung Quốc để tăng cường kiểm soát, có ít nhất một thỏa thuận đã bị chặn và những thỏa thuận khác đối mặt với sự chậm trễ. Liên minh Châu Âu đã đưa ra khuôn khổ riêng để sàng lọc đầu tư nước ngoài được nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các quan chức EU cáo buộc Bắc Kinh che chở các công ty của mình khỏi sự cạnh tranh thông qua các hạn chế cấp phép đầu tư, trợ cấp nhiều cho các công ty nhà nước và thực thi có chọn lọc các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Ủy ban Châu Âu cho rằng ngành công nghiệp thanh toán trực tuyến là một ví dụ điển hình, trong khi các công ty Trung Quốc hoạt động trong ngành công nghiệp này đang mở rộng ở Châu Âu, thì các đối thủ Châu Âu không được phép hoạt động tại Trung Quốc. Điều EU cần là các liên kết thương mại, đầu tư và phát triển mối quan hệ kinh tế cân bằng và minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, EU đã chịu áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G sau những cáo buộc rằng các sản phẩm do công ty Trung Quốc sản xuất có vấn đề bảo mật. Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc và kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump cung cấp bằng chứng về các tuyên bố của mình. Ủy ban Châu Âu cho rằng các quốc gia thành viên EU có trách nhiệm đưa ra quyết định bảo mật của riêng họ, nhưng cũng yêu cầu hoàn thành các đánh giá rủi ro 5G. Các quốc gia sẽ hoàn thành đánh giá an ninh vào cuối năm 2019 của 5G ở cấp EU. Lệnh cấm đối với thiết bị Huawei chưa có hồi kết nhưng đã khiến Bắc Kinh tức giận. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Châu Âu với Trung Quốc, mà còn đối với mối quan hệ của Châu Âu với Hoa Kỳ.

Năm 2013, Brussels và Bắc Kinh đã thực hiện Chương trình nghị sự hợp tác chiến lược EU - Trung Quốc 2020, đặt mục tiêu đầy tham vọng bao gồm nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực “hòa bình và an ninh”, “thịnh vượng”, “phát triển bền vững” và “giao lưu giữa người với người”. Khi thời hạn năm 2020 đang đến gần, những rào cản và căng thẳng trong mối quan hệ song phương và ở cấp độ toàn cầu chắc chắn sẽ làm phức tạp cho việc đạt được nhiều mục tiêu của chương trình nghị sự. EU và Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức để tăng cường hợp tác.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán