Dự án nghệ thuật bảo tồn Tuồng

Một dự án nghệ thuật mới được đề xuất nhằm bảo tồn Tuồng (hay Hát bội), một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam bắt nguồn từ thế kỷ 17, đã được khởi động tại Thành phố Hồ Chí Minh.



Ảnh: vietnamnet.vn

Dự án có tên là Bội Tự, do Nguyễn Phương Vi, sinh viên năm cuối tại Đại học Mỹ thuật TPHCM sáng lập và quản lý.

Mục tiêu của dự án là giới thiệu và cho giới trẻ tiếp xúc với nghệ thuật Tuồng.

Dự án sẽ sớm được giới thiệu trên mạng và cung cấp thông tin, tranh vẽ và hình ảnh của diễn viên tuồng. Các nhạc cụ và trang phục biểu diễn được sử dụng trong các vở tuồng cũng là một phần trong dự án.

Vi cho biết: “Dự án này muốn giới thiệu cho khán giả trẻ kiến thức về Tuồng, một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, bắt nguồn từ miền Trung và mở rộng về phía Nam, cụ thể là các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.”

Vi bắt đầu yêu thích loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này sau khi xem các buổi diễn của các nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Từ đó, cô đã nghiên cứu và tìm hiểu về loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này.



Nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Tuồng Đinh Bằng Phi trò chuyện tại tọa đàm về Tuồng ở TPHCM - Ảnh: Hội Sân khấu TPHCM

Để hoàn thành dự án nghệ thuật của mình, Vi đã đọc rất nhiều sách về Tuồng được viết bởi các nghệ sĩ hát tuồng và các nhà nghiên cứu văn hóa sân khấu, chẳng hạn như Huỳnh Ngọc Trảng và Lê Văn Chiêu.

Theo Vi, Tuồng đã phát triển từ nền nghệ thuật dân gian và trở thành một phần của nghệ thuật cung đình vào thế kỷ 17. Thể loại này bao gồm ca hát, nhảy múa và âm nhạc, và tất cả những phần này đều được biên soạn một cách độc đáo.

Các giai điệu âm nhạc của loại hình nghệ thuật này đều bám sát theo nhạc cung đình và thể hiện lòng yêu nước. Điều này giúp định hình kịch bản, ngôn ngữ, âm nhạc của vở diễn và tính cách của các nhân vật.

Vi cho biết: “Các vở diễn sẽ thể hiện chính xác phong cách độc đáo của Tuồng và điều này sẽ được thể hiện xuyên suốt dự án của tôi. Mọi người có thể học các ca khúc, các giai điệu và điệu múa truyền thống được sử dụng trong Tuồng.”

Nghệ sĩ Nhân dân và nghệ sĩ Tuồng Đinh Bằng Phi cho biết: “Dự án của Vi khuyến khích những người trẻ khám phá Tuồng, một phần di sản hàng trăm năm tuổi.”

Nghệ sĩ Nhân dân và nghệ sĩ Tuồng Đinh Bằng Phi, 83 tuổi, người đã viết kịch bản và đạo diễn hơn 40 vở kịch và trình diễn trong nhiều vở cải lương và Tuồng.

Ông cũng giành được nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi và liên hoan sân khấu truyền thống toàn quốc. Một số sách về Tuồng của ông được sử dụng tại các trường nghệ thuật để giảng dạy.

Vân Anh
(Lược dịch)