Gấp rút dọn trường sau lũ đón học sinh

'Chúng tôi chạy đua từng phút để làm sao trường khô ráo, sạch sẽ cho các cháu trở lại lớp. Năm nay việc học hành đúng là quá khốn khổ, hết nghỉ dịch rồi lại đến lũ lụt'.



Thầy cô giáo tại Trường tiểu học Đại Quang dọn dẹp sân trường sau khi nước lũ rút để đón học sinh trở lại lớp. Ảnh: B.D.

12h30 ngày 12/10, dù nước vẫn đang bao vây nhiều ngôi làng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sông Vu Gia cuồn cuộn nước bạc từ thượng nguồn đổ về nhưng bảo vệ, hiệu trưởng và các nhân viên Trường tiểu học xã Đại Đồng vẫn khẩn trương xếp dọn bàn ghế, cào bùn non trong lớp học.

Bùn non bám dày khuôn viên trường

Trưa cùng ngày, khuôn viên trường ngập ngụa trong bùn non, rác, cây cối các nơi tràn vào. Trong các lớp học, nước lũ rút đi để lại ngổn ngang bùn đất. Các bàn ghế, dụng cụ học tập đã được kê cao ngang nửa lớp học để tránh hư hại.

"Năm 2017 được xem là trận lũ lịch sử. Năm nay dù chưa lớn như đợt đó nhưng thật sự thấy thót tim. Gần như các giáo viên, nhân viên của trường không ngủ để vừa chạy lũ ở nhà mình vừa ngóng tình hình nước lên ở trường. Đợt lũ này lên nhanh vào ban đêm" - cô Nguyễn Thị Hoa, hiệu trưởng nhà trường, nói.

Trong nhiều giờ, nước sông cuồn cuộn tràn vào khiến các phòng học ngập 3-4 gang tay. Nghiêm trọng nhất là đêm 11/10, các thủy điện từ thượng nguồn xả lũ đã khiến nước sông lên rất nhanh, chỉ trong vài giờ trường ngập nước.

Điện cúp, các giáo viên phải dùng đèn pin rảo quanh trường kê dọn đồ đạc, bảo quản trang thiết bị. Nước lên đến đâu bàn ghế được xếp chồng cao lên tới đó. Các thiết bị đắt tiền, sách vở và đồ dùng học sinh được đưa lên tầng 2.

Cách đó không xa, ban giám hiệu, cán bộ và giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng cũng đã được huy động ra dọn dẹp bùn non bám đầy các lớp học, hành lang và phòng hiệu bộ. Do đêm trước lũ lên cao nên toàn bộ các vùng trũng bị cúp điện. Để có nước xịt rửa bàn ghế, bùn non... các giáo viên phải dùng máy nổ.

Thầy Đỗ Văn Quang - hiệu trưởng nhà trường - cho biết dù không hư hại gì lớn nhưng nước lũ ngập sâu đã khiến bùn non bám dày trên toàn bộ khuôn viên trường. "Dù chưa có lịch học trở lại nhưng lũ vừa rút là chúng tôi huy động cán bộ giáo viên khẩn trương cào dọn lại toàn bộ khuôn viên, dỡ bàn ghế, đồ dùng học tập xuống để sẵn sàng đón học sinh" - thầy Quang nói.

Tình cảnh tương tự ở các trường học khác trên địa bàn huyện Đại Lộc như Trường tiểu học xã Đại Quang, Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Trường mầm non Đại Nghĩa...

Thầy Dương Nam - hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Quang - cho biết nước lớn tràn vào trường đã làm vỡ hệ thống tường bao của một điểm thuộc trường này. Trong khi đó, các điểm phụ lẫn điểm chính đều bị nước ngâm nhiều giờ. Từ sáng 12/10 khi nước vừa ra khỏi cổng, 55 giáo viên, cán bộ của trường này đã mang cuốc xẻng, chổi tre để dọn bùn non.

Nơi đã đi học lại, nơi còn chia cắt

Theo Sở GD&ĐT Quảng Nam, trong đợt mưa lũ kéo dài những ngày qua, các huyện Tây Giang, Đông Giang và Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam là ba nơi gánh chịu thiệt hại nhất về cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Huyện Tây Giang vừa trải qua đợt lũ lịch sử sau bão số 5 thì mấy ngày qua nhiều trường học nằm dưới các chân núi đã bị lũ quét, đất đá tràn vào gây hư hại nặng. Các giáo viên vừa phải bảo đảm an toàn cho học sinh vừa bảo quản cơ sở vật chất.

Bà Lê Kim Vân - trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang - cho biết đã có ba ngôi trường tại huyện này hư hại nặng trong mưa bão. Ngay khi mưa dứt, chính quyền đã huy động quân đội, công an cùng người dân đến lớp cào dọn đất đá, dọn dẹp đổ nát để đón học sinh trở lại lớp.

"Tới sáng 12/10 thì học sinh Tây Giang đã được đi học lại, chỉ còn một số điểm trường thôn nằm ở nơi sạt lở nặng đợi ổn định sẽ đưa các em tới lớp" - bà Vân nói.

Tại huyện Đông Giang, ông Trần Văn Hùng - trưởng Phòng GD&ĐT huyện - cho biết do đường sá sạt lở quá nhiều, nhiều điểm dân cư bị chia cắt nên học sinh ở Đông Giang vẫn chưa thể đến trường. "Mưa lũ cũng làm đất đá sạt vào một số trường nhưng chúng tôi đã cho khắc phục ngay để ngày 13/10 tất cả học sinh có thể đi học lại" - ông Hùng nói.

Đại diện các phòng giáo dục ở tâm lũ tỉnh Quảng Nam cho biết đau lòng nhất sau lũ là nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa thể đến lớp. Đây là các trường hợp con em các gia đình có nhà cửa bị đất đá vùi lấp, lũ quét làm hư hại tài sản, sách vở. Chính quyền và các thầy cô giáo đã huy động quyên góp, động viên gia đình để các trường hợp này sớm ổn định việc học hành, nhiều nhất là tại huyện Tây Giang.

Theo THÁI BÁ DŨNG
(Tuổi trẻ)