Khổng Tử: Chân dung người thầy giáo Trung Hoa mẫu mực

Trong hơn 50 năm làm nghề dạy học, Khổng Tử đã để bài nhiều bài học đạo đức cũng nhưng nhiều triết lý sống quý giá cho người đời ở thế hệ sau.



Chân dung Khổng Tử - Ảnh: nghiencuuquocte.org

Cuộc đời

Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN) có tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, là một người nước Lỗ, sống vào cuối thời Xuân Thu chuyển sang thời Chiến quốc, trong lúc chế độ phong kiến của nhà Chu bắt đầu bị băng hoại. Ông sinh ra trong một gia đình danh giá, có ông tổ ba đời thuộc dòng quý tộc nhưng sa sút từ nước Tống mà phải di cư đến nước Lỗ.

Cha của Khổng Tử là Khổng Hột, lấy mẹ ông là bà Nhan Chinh Tại. Lên ba tuổi, cha mất, Khổng Tử phải chịu cảnh mồ côi cha và cùng mẹ sống một cuộc đời khó khăn tại Khúc Phụ (thủ phủ của nước Lỗ). Khổng Tử là một người con vô cùng hiếu thuận, bên cạnh việc làm lụng vất vả để chăm sóc cho mẹ, ông còn biết tu chí học hành và thể hiện bản tính ham học từ thời niên thiếu.

Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và có được một chức quan nhỏ với công việc quản lý kho hàng và xuất nạp tiền lương. Được biết, ông cũng từng nắm giữ một chức quan nhỏ chuyên quản lý về nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi súc vật. Con đường hoạn lộ của Khổng Tử cũng từ đây mà bắt đầu thăng tiến. Trong cuộc đời làm quan của mình, ông từng làm chức Trung đô Tể (năm 51 tuổi), sau đó được thăng chức trở thành Tư Không, Tư Khấu (năm 52 tuổi).

Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học và được các môn đồ của mình gọi bằng phu tử.

Năm 30 tuổi, Khổng Tử muốn đến Kinh đô của nhà Chu là Lạc Dương để nghiên cứu thêm về những nghi lễ và chế độ miếu đường nhưng vì không đủ lộ phí nên đành gác lại mong muốn ấy. Được một môn đồ của mình tên là Nam Cung Quát giúp đỡ, ông đã có cơ hội đi đến Lạc Dương và thỏa chí quan sát tìm hiểu nhiều điều ấp ủ từ bấy lâu.

Sau khi trở về nước Lỗ từ chuyến ngao du đến nhà Chu, tiếng tăm của ông ngày càng được nhiều người biết đến, học trò đến theo học ngày càng đông.

Từ năm 34 tuổi, ông cùng các môn đồ của mình đi ngao du khắp nơi với mong muốn truyền bá tư tưởng và tìm người đi theo những tư tưởng ấy. Ông đi đến các nước Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở để tiếp xúc với các vị chư Hầu nhằm mục đích thuyết phục việc đem Đạo của ông ra ứng dụng vào việc trị quốc bình thiên hạ.

Năm 68 tuổi, Khổng Tử vẫn duy trì công việc dạy học của mình và bắt tay vào việc soạn sách cũng như hiệu đính lại nhiều văn thư cổ tản mát, thất truyền và san định lại nhiều kinh sách của Thánh hiền đời trước. 6 quyển kinh sách đáng giá được Khổng Tử biên soạn không thể không nhắc đến chính là: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu, Kinh Lễ, Kinh Dịch. Đây là những “đứa con tinh thần” minh chứng cho quá trình miệt mài lao động cũng như sự hiểu biết sâu rộng của ông.

Khổng Tử là người đầu tiên thành lập trường học tư và nhận học trò để dạy học, là người có công rất lớn đối với nền giáo dục của Trung Hoa cổ. Khác với những thời đại trước, ông thu nhận môn đồ không phân biệt sang hèn, chỉ tâm niệm đem kiến thức mình có được đến với tất cả mọi người.

Nhân cách

Khổng Tử là một người thầy có nhân cách lớn. Ở ông hiện lên sự siêng năng, tinh thần cầu tiến rất cao, là tấm gương sáng cho môn đồ và tất cả mọi người.

Những học trò tôn kính ông không chỉ bởi sự uy nghiêm của một người thầy, mà ẩn sau đó là một trái tim chân thành, giàu tình cảm và đầy tâm huyết với nghề. Tuy là một người có vốn kiến thức khá rộng về nhiều lĩnh vực nhưng Khổng Tử không bao giờ tự nhận mình là một người hiểu biết nhiều. Đối với ông, kiến thức mà ông có được không bao giờ là đủ, như hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khổng Tử quan niệm phải tu dưỡng đạo đức cá nhân, tiếp đến là xây dựng gia đình, cuối cùng mới có thể trị quốc mà bình thiên hạ.

Suốt cuộc đời của mình, ông chọn cho bản thân lối sống an nhàn, khiêm nhường, không tranh đua với đời. Tất cả những phẩm chất ấy toát lên khí chất của một nhà Nho vĩ đại, làm nên một bức tường thành mẫu mực, là một nhân cách lớn cho thế hệ sau học tập và noi theo.

Minh Thanh
(Tổng hợp)