Làm thế nào khắc các hoa văn lên bề mặt thủy tinh?

Người ta đã tìm thấy một loại hoá chất trong phòng thí nghiệm có thể ăn mòn thủy tinh rất mạnh. Khi thuỷ tinh tiếp xúc với loại hoá chất này, bề mặt thuỷ tinh sẽ bị đục thủng, thậm chí có thể "gặm" hết cả mảnh thủy tinh. Loại "quái vật" ăn thuỷ tinh này chính là hydro fluoric acid chỉ được đựng trong các bình đựng bằng chất dẻo mà không thể đựng được trong bình thủy tinh. Trước đây, ở các nhà máy sản xuất hydro fluoric acid hầu như tất cả các bóng đèn đều biến thành các bóng đèn trắng đục, hầu như mọi cửa kính bị đục thủng lỗ chỗ như "mặt sàng thủy tinh". Đó chính là do trong quá trình sản xuất hydro fluoric acid, đã có rò rỉ một lượng nhỏ hydro fluoric acid và chính lượng nhỏ hydro fluoric acid đã ăn mòn dần dần các dụng cụ, đồ dùng bằng thủy tinh.

Vì hydro fluoric acid có tác dụng ăn mòn thủy tinh rất mạnh nên người ta đã khéo léo sử dụng acid này vào việc chạm khắc thủy tinh. Khi cần khắc họa hoa văn hoặc khắc độ trên các đồ dùng bằng thủy tinh, người ta tráng một lớp parafin lên bề mặt thuỷ tinh. Sau đó cẩn thận dùng lưỡi chạm để khắc vẽ các hoa văn hoặc vạch khắc độ trên lớp parafin để lộ ra các nét hoa văn cần chạm khắc trên bề mặt thủy tinh. Tiếp theo dùng hydro fluoric acid phủ lên bề mặt parafin để cho ăn mòn các nét vẽ, các vạch khắc trên bề mặt thủy tinh đã lộ ra và gặm mòn thủy tinh. Lớp hydro fluoric acid càng nhiều thì vết khắc sẽ càng sâu, nếu lớp axit ít thì vết khắc sẽ nông. Sau khi tiến hành khắc chạm cẩn thận thì trên bề mặt thủy tinh sẽ có các hoa văn, các nét khắc chạm tinh tế. Những đồ dùng thủy tinh sau khi khắc chạm sẽ có các hoa văn, hình vẽ hết sức tinh tế, đẹp đẽ.

Cao Thị Ngát
Giáo viên Hóa học - Trường Quốc tế Á Châu