Ngành giáo dục và Cách mạng công nghiệp 4.0

1. Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới (từ năm 1784) được bắt đầu ở nước Anh, với sự cơ giới hóa ngành dệt may. Những công việc vốn trước đó được thực hiện bằng bàn tay của hàng trăm thợ thủ công giờ thay thế bằng một máy quay sợi duy nhất, và khái niệm nhà máy cũng ra đời từ đó. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất về sản xuất cơ khí với máy dựa vào động cơ hơi nước.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai (từ 1870) được khởi xướng khi ông trùm Henry Ford nắm bắt được dây chuyền sản xuất lắp ráp và mở đường cho cả một kỉ nguyên sản xuất hàng hóa khổng lồ. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai về sản xuất hàng loạt với máy dựa vào năng lượng điện.

Hai cuộc đại cách mạng công nghiệp toàn cầu đã sản sinh ra nhiều công dân giàu có hơn và nhiều thành thị hơn cho thế giới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về sản xuất thông minh dựa vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, … với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.

Khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức, nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức. Không chỉ nước Đức với chương trình Công nghiệp 4.0, các nước phát triển trong vài năm qua đều có các chương trình chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ của khoa học và công nghệ đang diễn ra rất nhanh. Nước Mỹ có "Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến" cho ba thập kỷ tới. Nước Pháp có "Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp". Hàn Quốc có "Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai". Trung Quốc có "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025".

Báo chí thường mô tả Công nghiệp 4.0 với các thành tựu của Trí tuệ Nhân tạo, với máy móc tự động và thông minh như ô-tô tự lái, in ấn 3 chiều, kết nối vạn vật, công nghệ sinh học và công nghệ nano, …

Có thể nói rằng cốt lõi của công nghiệp 4.0 chính là đột phá của công nghệ số trong những năm vừa qua, tiếp nối thành quả của cuộc cách mạng số hoá đã diễn ra mấy chục năm qua từ khi có máy tính. Sự ra đời của máy tính đã dẫn đến cuộc cách mạng số hoá, nhất là khi máy tính cá nhân và Internet xuất hiện.

Có hai khía cạnh của công nghệ số, một là việc số hoá và hai là việc quản trị và xử lý các dữ liệu được số hoá. Thí dụ của số hoá trong các ngành nghề khác nhau như chụp ảnh đã chuyển từ ảnh phim qua ảnh số, từ máy ảnh cơ qua máy ảnh số; việc in ấn dựa vào ảnh số và chế bản điện tử cho chúng ta có sách báo như ngày nay; kỹ thuật truyền hình đã chuyển sang truyền hình số đẹp hơn rất nhiều; công nghệ truyền tin đã thay thế các tín hiệu tương tự bằng các tín hiệu số, truyền và nhận tín hiệu số trên những đường truyền hiệu năng cao, …

Công nghệ số có phần chung rất lớn với công nghệ thông tin, đó là phần quản trị và xử lý dữ liệu được số hoá. Trải qua các làn sóng của công nghệ số, những đột phá trong thời gian gần đây như điện toán đám mây, thiết bị di động thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, … đang tạo điều kiện cho sản xuất thông minh được thực hiện rộng rãi, mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Gần đây, với sự bùng nổ của dữ liệu, kết quả của việc số hoá và kết nối Internet khắp nơi đang trở thành nền tảng của cách mạng 4.0. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi một nền giáo dục 4.0.

2. Ngành giáo dục và cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh những tác động lớn đối với nền kinh tế thì cách mạng công nghiệp 4.0 hẳn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giáo dục nước ta. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự đóng góp năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự động viên, nhất là óc sáng tạo của mọi giới.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, người ta không nói tới bằng cấp nữa, con người sẽ được đánh giá theo giá trị mà họ mang tới cho xã hội, bất chấp bằng cấp, bất chấp xuất xứ. Ví dụ người tạo ra ứng dụng được 2 triệu người dùng thì không cần bằng cấp, không cần học vị. Những người học thuộc lòng, thi lấy điểm, học lấy bằng sẽ mất chỗ đứng. Giáo viên tương lai sẽ phải dạy người học cách tự học, tự tư duy, tự tiến bộ. Người lao động sẽ trở thành công dân toàn cầu và thi đua mọi lúc, mọi nơi.

Trong cuộc cách mạng này, mỗi người trong chúng ta phải tự vận động, thay đổi và lột xác. Điều đặc biệt là không ai có thể đứng ngoài cuộc cách mạng này, nếu không vận động theo nó mình sẽ bị bỏ lại phía sau.

Người học (học sinh, sinh viên) và cách mạng công nghiệp 4.0

- Cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến trái đất thành một ngôi làng toàn cầu. Học sinh, sinh viên cần nhận thức rằng trong cuộc cách mạng này, ai càng tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, càng tiết kiệm nguồn lực cho thế giới thì phần thưởng người đó nhận được sẽ càng lớn. Ví dụ như cách kinh doanh chia sẻ của Uber, Airbnb…

- Làm việc nhóm là đòi hỏi bắt buộc đối với người học nhưng không chỉ làm việc với bạn bè thân hữu mà phải làm việc với những người không quen biết trên thế giới có cùng chung chí hướng với mình. Điều này đòi hỏi người học một phong cách làm việc chuyên nghiệp với nhiều ngoại ngữkhả năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột từ xa…

Có được những điều này người trẻ mới có thể trở thành công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng như hiện nay.

Như vậy, những người trẻ cần làm gì để trở thành công dân toàn cầu?

Câu trả lời là người trẻ cần phải đọc, học, trao đổi, tham khảo, so sánh và cạnh tranh thật nhiều. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại cho người trẻ những điều kiện chưa từng có trước đây để tự thay đổi chính mình. Nếu bạn có một cái điện thoại thông minh nối mạng, mà bạn hôm nay không tiến bộ gì hơn so với hôm qua, thì bạn chỉ có thể tự trách chính mình mà thôi. Hãy “phóng thích” mình ra khỏi những gò bó. Nhảy xuống biển xa bờ để tập bơi như người Nhật. Hùng biện với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, anh chị em khi còn bé như người Mỹ. Tự lập thật sự bằng cách sống riêng từ năm 18 tuổi như người châu Âu. Học sức chịu đựng cao từ những trẻ con người châu Phi… Những thứ như thế sẽ tạo ra những con người tự tại, tự lập, tự cường mà không tự mãn. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dành cho những người có da thịt bằng đá, gân guốc bằng sắt, khối óc bằng thép và trái tim bằng vàng.

Trường đại học và cách mạng công nghiệp 4.0

Giờ đây, trường đại học không còn là nơi độc quyền trong việc tạo ra tri thức mới và chuyển giao tri thức qua các thế hệ. Đối với việc đào tạo, trường đại học cũng không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất hay chủ yếu như xưa nữa. Kiến thức và thông tin có thể tiếp cận rất dễ dàng và năng lực chọn lọc, đánh giá, sử dụng thông tin, năng lực tự học trở thành điều kiện sống còn trong nền kinh tế tri thức.

Nếu các trường đại học không bắt kịp sự thay đổi ấy và ý thức được rằng họ không thể tiếp tục chỉ cung cấp tấm bằng như xưa, thì họ sẽ bị đẩy sang bên lề, vì giờ đây, người ta có thể theo học các khóa trực tuyến của các trường đại học trên thế giới rất dễ dàng và với chi phí rất rẻ, mà không cần phải đến trường như xưa nữa.

Người dạy (giáo viên, giảng viên) và cách mạng công nghiệp 4.0

Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế, vai trò của giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Dạy học phân hóa là quan điểm phải được quan tâm đặc biệt. Người thầy phải quan tâm đến từng người học, nhu cầu của từng người học trong lớp rất khác nhau và không đồng nhất. Nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để người học có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo.

Sự biến đổi lớn về vai trò người dạy - truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, họ phải chuyển sang chức năng hướng dẫn người học.

Trong xã hội thông tin, giảng viên phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.

Kĩ năng quan trọng nhất là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Cách dạy cũ không thể tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỉ XXI – những công dân toàn cầu.

Vậy vai trò của người thầy sẽ là gì để giúp cho chính họ và sinh viên điều chỉnh những thay đổi xã hội?

Chúng ta đào tạo giáo viên là chuyên gia truyền đạt kiến thức hay chuyên gia giáo dục? Ngày nay người học có thể học bằng công nghệ dạy học được trang bị đầy đủ với không gian rộng hơn rất nhiều so với lớp học và vô số ông thầy trên mạng so với chỉ một ông thầy trong lớp học kiểu cũ; đối tượng giao tiếp của người học (cộng đồng mạng) sẽ lớn hơn rất nhiều so với số lượng bạn bè trong lớp học…

Quan niệm “đến trường” là “đi học”, không đến trường là “không đi học” hình như đã tỏ ra lạc hậu trong kỉ nguyên mới.

Chúng ta cần xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng.

Năng lực và vị trí người thầy ở đâu nếu không phải là người hướng dẫn, xúc tác giúp sinh viên biết tự định hướng trong học tập?

Theo UNESCO, ngày nay chức năng giáo viên đã thay đổi, tập trung vào 8 điểm sau:

(1) Đảm nhận nhiều chức năng, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục;

(2) Tổ chức việc học của học sinh, sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội;

(3) Cá biệt hóa học tập, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò;

(4) Sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại;

(5) Hợp tác rộng rãi và chặt chẽ hơn với các giáo viên cùng trường, thay đổi quan hệ giữa các giáo viên với nhau;

(6) Thắt chặt hơn mối quan hệ với cha mẹ học sinh và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống;

(7) Yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường;

(8) Giảm bớt và thay đổi kiểu uy tín truyền thống trong quan hệ với học sinh nhất là đối với học sinh lớn và với cha mẹ học sinh.

Đồng thời, giáo viên phải thể hiện rõ phẩm chất ở 5 lĩnh vực trách nhiệm:

- Với học sinh;

- Với xã hội;

- Với nghề nghiệp;

- Với việc hoàn thành tốt công việc;

- Với các giá trị cơ bản của con người.

Tóm lại: Cụm từ "cách mạng công nghiệp 4.0" hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến Trái Đất của chúng ta trở thành một ngôi làng. Không có một khu vực nào trên trái đất lại là một lãnh địa riêng biệt, bất khả xâm phạm. Giáo dục được coi là lĩnh vực then chốt đào tạo ra hệ thống nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Th.S Nguyễn Văn Mỹ
(Tổng hợp)